Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Khát vọng trung tâm logistics khu vực

Biên phòng - Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Triển vọng này hoàn toàn có cơ sở khi chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam được WB xếp thứ 39/160 nước, thứ 3 trong các nước ASEAN và đứng đầu trong các thị trường mới nổi.

Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Với lợi thế nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Thực tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-15%, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Cả nước có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Thời gian qua, các trung tâm này tiếp tục có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics đang rộng mở khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch, đạt trên 668 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian không xa.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài.

Các chuyên gia quan ngại, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn, nhất là các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu. Điều này có thể thấy rõ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải giao thông trên toàn cầu bị ảnh hưởng, chi phí logistics bị đẩy lên, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Logistics không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững thời kỳ hội nhập.

Để tạo nên sự đột phá, biến giấc mơ Việt Nam trở thành một trung tâm logistics của khu vực, các chuyên gia cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm như tập trung phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics... Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, các địa phương, để khơi thông những điểm nghẽn, hình thành các trung tâm logistics có trình độ tự động hóa, hiện đại hóa lớn, tham gia dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới.

Các trung tâm logistics phải được kết nối với các phương tiện vận tải theo hướng đa phương thức và với cảng biển bằng hệ thống đường sắt hiện đại theo mô hình cảng biển - đường sắt - các trung tâm logistics - đường ô tô - khách hàng. Đồng thời, sớm đưa vào vận hành các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế, đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO