Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

“Khát vọng Hồ Chí Minh” trên hành trình đi tới

Biên phòng - Có thể khẳng định, khát vọng độc lập dân tộc, đất nước cường thịnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc là mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiểu sâu, cảm thấu những lời dạy của Người để áp dụng trong từng phần việc, nhiệm vụ cụ thể là một hướng đi đúng nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vì một Việt Nam hùng cường và phồn vinh.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP dâng hoa trước tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng”.

Trên hành trình của Người từ Đông sang Tây là hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến với tầm nhìn nhân loại rộng lớn hơn, đến với ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế. Bằng ý chí mạnh mẽ, khát vọng cháy bỏng, nghị lực phi thường, Người đã hoạt động sôi nổi, tích cực để mở lối cho dân tộc Việt Nam bắt nhịp vào trào lưu của thời đại. Năm 1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Người khẳng định rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ít lần nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”2. Tư tưởng đó của Người không chỉ kế thừa quan niệm “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” hay “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”... của các bậc hiền kiệt, lương đống nước nhà trong quá khứ, mà xuất phát từ sâu thẳm trái tim tràn đầy tình yêu nước, thương dân, cảm thông trước mỗi phận người bị đọa đày, giày xéo dưới gót giày thực dân và áp bức phong kiến.

Không như nhiều nhà tư tưởng nhìn người dân bằng lòng thương cảm, Hồ Chí Minh dành cho nhân dân tình yêu thương bao la ở cả tầm cao tư tưởng và chiều sâu nội tâm. Hồ Chí Minh là người viết, nói về dân nhiều nhất, hay nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất. Theo Người, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”3. Người viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”4, “Trong thế giới, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”5, “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”6...

Mọi quyết định, chỉ đạo của Người bao giờ cũng lấy điểm tựa xuất phát là lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, đúng quy luật, thuận lòng người. Người căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”7; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”8. Như một lẽ tự nhiên, ở Hồ Chí Minh hòa quyện giữa yêu nước với thương dân, giữa khát vọng giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất 6 nhiệm vụ cấp bách là chống “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Với 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã dành nhiều tâm lực, trí lực để lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các quan điểm nhân văn, vì con người khi xây dựng Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, cùng các đạo luật, chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực của nhân dân, chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trọn vẹn cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến cho dân tộc và nhân loại với những di sản vĩ đại. Người luôn khiêm cung, hòa ái, luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, vượt lên chủ nghĩa cá nhân, đứng ngoài vòng danh lợi. Người là vị lãnh tụ từ nhân dân mà ra, làm việc theo tinh thần một công bộc, một người lính “vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận”. Và cũng chính vì lẽ đó, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của người trường tồn vĩnh cửu giữa lòng dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày để củng cố, phát triển. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927) - điều đầu tiên mà Người nhấn mạnh là “tư cách của người cách mệnh”, nhất là các phẩm chất như “vị công vong tư”, “không hiếu danh”, “không kiêu ngạo”, “nói thì phải làm”, “hy sinh”, “phải ít lòng ham muốn về vật chất”. Cả đời Người là minh chứng sống động nhất, thuyết phục nhất của nếp sống giản dị, tiết kiệm, thanh cao, đồng cam cộng khổ với đồng bào, đồng chí.

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong giai đoạn này, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là một cuộc vận động, mà nó thực sự đã trở thành đòi hỏi cấp bách đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi, tự sửa” để xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của nhân dân, xứng đáng với danh xưng “công dân thời đại Hồ Chí Minh”, đủ trí - đức - tâm - tầm gánh vác sứ mệnh của con Lạc, cháu Hồng, dựng xây cơ đồ vẻ vang, rạng rỡ. Để mỗi nhịp bước chúng ta đi, “khát vọng Hồ Chí Minh” sẽ là nguồn cảm hứng, là ánh sáng soi đường để toàn Đảng, toàn dân ta hiện thực hóa ước mơ về một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong đợi.

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.4, 2013, tr.187.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.434.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, 2013, tr.453.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, 2013, tr.409.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, 2013, tr.326.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286.
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO