Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Khẳng định vị thế của Việt Nam thông qua việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Biên phòng - Hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) bắt đầu từ năm 1948, dưới hình thức các phái bộ, để bảo đảm hòa bình tại các khu vực có xung đột vũ trang đã chấm dứt hoặc đã có thỏa thuận hòa bình. Đến nay, hơn 120 nước thành viên đã, đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ GGHB LHQ. So với nhiều quốc gia, quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam chưa dài, nhưng cũng đạt những thành công đáng kể.

fdl7_25b
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các đại biểu động viên tập thể Bệnh viện dã chiến 2.1 trước khi lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Ảnh: Trung Kiên

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án “QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngày 4-12-2013, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 4792/QĐ-BQP thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam. Đây là Cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động GGHB LHQ; thực hiện chức năng nghiên cứu, tham mưu, điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động GGHB LHQ của QĐND Việt Nam. Trước đòi hỏi của tình hình và sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện Quyết nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 22-11-2017, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 5291/QĐ-BQP về việc tổ chức lại Trung tâm GGHB Việt Nam thành Cục GGHB Việt Nam.

Năm 2014, hai sĩ quan QĐND Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Xu-đăng, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam. Bắt đầu từ chỗ chỉ có 2 sĩ quan, đến nay, Việt Nam đã triển khai được 29 lượt sĩ quan tham gia hoạt động tại hai phái bộ GGHB. Mặc dù phải làm việc trong môi trường đa phương đầy khó khăn, nhưng các sĩ quan Việt Nam đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được LHQ, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc, ý thức kỷ luật...

Ngày 1-10-2018, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) thuộc Cục GGHB Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ Nam Sudan. Hoạt động này không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động GGHB LHQ, mà còn thể hiện sự cố gắng, năng lực của Việt Nam trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động GGHB, mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho người dân ở các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay nghèo đói, lạc hậu, dịch bệnh.

Để chuẩn bị cho hành trình này, Cục GGHB đã trải qua quá trình chuẩn bị gần 5 năm, bao gồm nhiều nội dung, như: Tổ chức, biên chế nhân sự (khoảng 70 người, từ chỉ huy, bác sĩ các chuyên ngành đến điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nhân viên chuyên môn...) và hàng nghìn phương tiện, trang bị, vật tư y tế, hậu cần, kỹ thuật của phân đội và dụng cụ sinh hoạt cá nhân, bảo đảm độc lập hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Dự kiến, Phân đội Công binh, Bệnh viện dã chiến 2.2 và một số phân đội khác sẽ tham gia hoạt động GGHB LHQ vào năm 2019 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, mới đây, Việt Nam được LHQ lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện GGHB của cơ quan này cùng với một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Sự lựa chọn này được đưa ra sau nhiều cuộc khảo sát của LHQ tại các nước thành viên ASEAN với những đòi hỏi về tiêu chuẩn rất cao. Theo đó, mọi hoạt động huấn luyện cho các lực lượng GGHB LHQ tại Việt Nam sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về GGHB LHQ của Việt Nam. Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng GGHB LHQ ở Đông Nam Á chính là sự ghi nhận và đánh giá cao của LHQ đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

k0zy_25
Các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam ra máy bay đi Nam Sudan, sau lễ xuất quân. Ảnh: Trung Kiên

Tuy nhiên, tham gia hoạt động GGHB LHQ là một lĩnh vực còn rất mới đối với Việt Nam, vì vậy bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Do lực lượng tham gia hoạt động này của Việt Nam phải làm việc trong môi trường đa quốc gia, theo khuôn khổ và quy chuẩn của LHQ, địa bàn hoạt động xa đất nước, tiềm ẩn rủi ro, thậm chí có thể bị thương vong nên có nhiều đề xuất cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có những điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan cho phù hợp với môi trường, lĩnh vực hoạt động mới, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong hoạt động tham gia GGHB LHQ của Việt Nam.

Có thể nói, việc đưa sĩ quan, Bệnh viện dã chiến 2.1, Phân đội Công binh... của QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, đánh dấu bước phát triển mới trong nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam ở một lĩnh vực hoạt động quan trọng của LHQ; một hình thức cụ thể thực hiện chủ trương của Đảng: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động GGHB của LHQ, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”.

Đây cũng là minh chứng sinh động, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, thúc đẩy hợp tác đa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới và khu vực. Đồng thời, nâng cao vị thế, uy tín của QĐND Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO