Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 07:08 GMT+7

Khẳng định vị thế của văn hóa trong đời sống xã hội

Biên phòng - Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một, Đảng ta đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết về văn hóa. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm vận động người dân phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Qua 20 năm thực hiện, đến nay, phong trào này đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì (Điện Biên) biểu diễn dân ca, dân vũ tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2019, tại Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận

Triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hằng ngày của cộng đồng dân cư. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong những năm qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, tạo chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực. Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước đã được các địa phương quan tâm đầu tư, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp.

Phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao quần chúng cả ở khu vực nông thôn, đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều được duy trì và phát triển. Tính đến nay, có trên 12 triệu người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và sinh hoạt câu lạc bộ; 17 triệu người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2020 của tỉnh Sơn La, anh Vì Văn Kiến, ở huyện Sốp Cộp cho biết: “Việc thực hiện phong trào đã góp phần đẩy lùi tập tục lạc hậu, trong đó, tình trạng tảo hôn, ép hôn đã giảm đáng kể, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong việc tang lễ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, việc cúng thần, trừ tà, xem bói, ăn uống linh đình dài ngày trong đám tang đã được hạn chế và dần loại bỏ”.

Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động lễ hội được tổ chức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh... Thực tế, phong trào đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của người dân và cộng đồng trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được các địa phương thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản văn hóa được thực hiện nghiêm túc tại nhiều địa phương là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân, giảm tệ nạn xã hội và phát triển kinh tế địa phương...

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Phong trào đã tác động đến từng cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang về hành vi, lối sống, đạo đức; khơi dậy truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng ngày càng phát huy có hiệu quả, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của người dân”.

Điểm nhấn của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong thời gian qua là việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã trở thành mục tiêu trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trong mỗi dòng họ, gia đình. Nhiều mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh trật tự... được phát động và nhân rộng các phong trào, như: Xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng ấp, tổ dân phố văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; học tập, lao động, sáng tạo.

Cũng từ phong trào này, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực được tôn vinh, tạo được sức ảnh hưởng tích cực và sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ... Đến nay, có trên 1.200.000 gương “Người tốt, việc tốt” được suy tôn ở các cấp, trong đó: Cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người và cấp xã trên 712.000 người. Từ đó, tạo động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các tập thể, cá nhân, trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, làng, bản. Đồng thời, tạo ra nền tảng tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO