Biên phòng - Những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương.

Nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt, BHXH và BHYT từng bước được phát triển mạnh mẽ, chế độ ngày càng hoàn thiện, khẳng định sự đúng đắn và vai trò quan trọng của BHXH và BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò “then chốt”
Xác định vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn đề cao vai trò quan trọng và có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa. Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt là các giải pháp phát triển BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Trong đó, cơ quan các cấp đã chú trọng ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tham mưu, đề xuất đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, cụ thể có: 47/63 tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo đến 100% cấp xã, cấp huyện trên địa bàn; 668/705 huyện và 9.021/10.599 xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo. 55 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có: 543 huyện, 6.469 xã đã đưa chỉ tiêu bao phủ cả BHXH, BHYT; 620 huyện, 7.112 xã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT.
Sự phối hợp đồng bộ từ các doanh nghiệp
Theo đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam để đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng của ngành BHXH Việt Nam, ngoài những chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, còn có sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.
Các đơn vị sử dụng người lao động đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tính đến hết tháng 9/2022, cả nước đã có trên 17 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm tai nạn, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 88,4% dân số, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn nỗ lực bảo đảm việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp bảo đảm các quyền lợi cho người lao động, nhất là việc thực hiện các thủ tục hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trên nền tảng sự phối hợp của các đơn vị sử dụng lao động, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Minh chứng thêm cho những kết quả đạt được của toàn Ngành BHXH, trong đó có sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đồng chí Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, hiện tại BHXH Việt Nam hiện đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trong các giao dịch với cơ quan BHXH trên toàn quốc… Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo biểm tai nạn trên môi trường số của ngành BHXH Việt Nam.
Ngọc Lâm