Biên phòng - Trong những năm qua, BÐBP Kiên Giang luôn nắm chắc tình hình nội, ngoại biên và những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, kịp thời tham mưu cho cấp trên đề ra giải pháp sát, đúng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Vì vậy, vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trên biên giới được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển...
- Pháp lệnh BĐBP - Cơ sở quan trọng để xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam
- Tập trung chỉ đạo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP
- 20 năm Pháp lệnh BĐBP đi vào cuộc sống ở Cà Mau
- Pháp lệnh BĐBP là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
- Đánh giá kết quả và những tồn tại trong 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP

Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, có diện tích tự nhiên 6.346,2km2, có đường biên giới trên bộ dài 56,8km, phía Bắc tiếp giáp với 2 tỉnh Cam Pốt và Tà Keo (Vương quốc Campuchia). Phía Tây của tỉnh có bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng 63.000km2. Khu vực biên giới, biển, đảo có 57 xã, phường, thị trấn biên giới thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố, với dân số 767.292 người.
Sau 20 năm triển khai thi hành Pháp lệnh BĐBP, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới, hải đảo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng có liên quan và người dân.
Việc triển khai Pháp lệnh BĐBP có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm làm cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân hiểu rõ trách nhiệm bảo vệ biên giới của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể, trong đó, nòng cốt, chuyên trách là BĐBP. Đây là nền tảng giúp BĐBP Kiên Giang phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo.
Song song với đó, BĐBP Kiên Giang đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kiên Giang triển khai, quán triệt, hướng dẫn thi hành các nội dung Pháp lệnh BĐBP cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biên giới. Ở cơ sở, các đồn Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là những quy định pháp luật về biên giới quốc gia. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền tập trung, lồng ghép trong các cuộc họp và tuyên truyền nhỏ lẻ đã nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Cùng với đó là việc phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, đấu tranh phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển tạo ra môi trường thông thoáng, an toàn thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện với nước bạn Cam-pu-chia.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, BĐBP Kiên Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố biên giới xây dựng các mô hình “Kết nghĩa phum, ấp hai bên biên giới”, “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”... Đến nay, toàn tỉnh có 22 ấp biên giới, 190 hộ, 722 người đăng ký tự quản 56,8km đường biên giới và 28 cột mốc. UBND các huyện, thị xã, thành phố ra quyết định công nhận 42 tổ, 782 tàu, 2.324 ngư dân đăng ký Tổ tàu thuyền an toàn; 47 bến tự quản, 931 tàu thuyền, 2667 người, 973 Tổ tự quản về an ninh, trật tự với trên 22.000 thành viên.
Bên cạnh đó, một số chương trình, dự án, đề án mà BĐBP Kiên Giang trực tiếp tham gia đạt hiệu quả cao như: Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo tình thương”; xây dựng được trên 200 căn nhà Tình nghĩa, Tình thương, trị giá hàng chục tỷ đồng..., góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, qua đó củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước và BĐBP.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng luôn được BĐBP Kiên Giang chú trọng. Hằng năm, BĐBP Kiên Giang đã tổ chức hội đàm định kỳ, trao đổi tình hình, ký kết kế hoạch phối hợp, biên bản ghi nhớ, làm cơ sở cho việc bảo vệ biên giới với Công an tỉnh Cam Pốt, Tiểu khu Quân sự Cam Pốt, Cục Bảo vệ an ninh biên giới biển Campuchia. Đặc biệt, đã phân giới được 4.720m, cắm được 23/28 cột mốc chính, xây dựng xong 80/80 vị trí mốc phụ, 4/4 cọc dấu biên giới.
Thông qua công tác đối ngoại, đã thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên biên giới, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới, vùng biển. Hợp tác phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Điển hình trong năm 2012, hai bên đã phối hợp bảo vệ an toàn lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc cuối cùng của tuyến biên giới đất liền, có Thủ tướng hai nước Việt Nam và Campuchia đến tham dự.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, từ năm 2009 đến nay, BĐBP Kiên Giang đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.631 vụ, với hơn 7.500 đối tượng, xác lập nhiều chuyên án, khởi tố hình sự 82 vụ với 167 đối tượng về các tội mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Xử phạt vi phạm hành chính 4.586 vụ với 7.418 đối tượng; nộp kho bạc Nhà nước hàng tỷ đồng. Các đồn Biên phòng cửa khẩu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cảng biển, đáp ứng nhu cầu qua lại biên giới của người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập khẩu...
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP vừa được UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Trong thời gian tới, lực lượng BĐBP tỉnh cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia, công tác bảo vệ biên giới và xây dựng lực lượng BĐBP. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương khu vực biên giới trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quan tâm củng cố, nâng cao về nghiệp vụ, rèn luyện lực lượng BĐBP đáp ứng với tình hình mới, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu, là lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ. Kiến nghị Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Quốc hội xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam thay thế cho Pháp lệnh BĐBP để phù hợp với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Lê Đồng - Hồ Phúc