Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 08:45 GMT+7

Khẳng định vai trò kênh truyền thông quan trọng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sinh sống ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, ít có điều kiện tiếp cận thông tin mọi mặt của xã hội. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, góp phần nâng cao dân trí và văn hóa đọc, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại khu vực đặc thù này.

Trong bối cảnh hiện nay, báo in vẫn giữ vai trò là kênh truyền thông quan trọng tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Cẩm Linh

Nhóm độc giả đặc thù

Do phần lớn đồng bào DTTS sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế-xã hội còn hạn chế, nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào DTTS gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin.

Theo kết quả điều tra mới đây của Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho thấy, đài/radio/cát sét là phương tiện có chi phí thấp và dễ tiếp thu nhất đối với các hộ gia đình DTTS. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đài/radio/cát sét đang giảm dần, thay vào đó, số lượng ti vi tăng dần. Đến nay, có 26 DTTS có tỷ lệ hộ sở hữu ti vi cao trên 80%, trong đó, dân tộc Hoa và Sán Dìu có tới hơn 95% số hộ đã có ti vi. Các dân tộc Khơ Mú, Mảng, La Hủ, Xinh Mun có số hộ sử dụng đài và ti vi đều ở mức thấp... Tỷ lệ đồng bào DTTS sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh cũng ngày càng tăng cao, nhưng vẫn tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao như: Hoa, Sán Dìu, Tày, Sán Chay, Mường.

Với các tỉnh khu vực miền núi, loa truyền thanh vẫn là phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng đối với các hộ đồng bào chưa có điều kiện trang bị các phương tiện thu phát sóng truyền thông. Tuy vậy, số lượng loa phát thanh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt, đến nay, việc tiếp cận với máy tính và Internet đối với đồng bào DTTS cũng còn rất hạn chế. Các dân tộc Si La, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính. Các dân tộc La Hủ, Kháng, Khơ Mú, Rơ Măm... rất hiếm hộ có máy tính kết nối Internet.

Dựa vào các dữ liệu trên, có thể thấy rằng, loại hình báo in vẫn là kênh truyền thông hiệu quả đối với nhóm độc giả đặc thù này.

Theo đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, với ưu điểm và thế mạnh là đưa thông tin sâu và lưu trữ thông tin lâu, báo in ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, già làng, trưởng bản, người có uy tín làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, báo viết đã xóa được các điểm trắng về thông tin đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa mà báo nói, báo hình, báo điện tử chưa thực hiện được.

Vai trò được khẳng định

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã có nhiều tác phẩm nêu gương nhằm nhân rộng các kinh nghiệm, kỹ thuật khuyến nông trong trồng trọt và chăn nuôi. Nhân rộng những mô hình, gương điển hình làm ăn hiệu quả; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Song song với việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, các cơ quan báo chí đã dành phần lớn nội dung tuyên truyền về xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đời sống văn hóa; cổ vũ, hướng dẫn đồng bào DTTS biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của nhân dân các dân tộc. Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào DTTS các kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Theo số liệu của UBDT trong 3 năm (2019 - 2021), 19 cơ quan báo chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019-2021, có tổng số xuất bản đạt gần 34 triệu ấn phẩm.

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong xã hội. Đặc biệt, nhờ công tác tuyên truyền của báo chí, trong 2 năm gần đây, để ứng phó với đại dịch Covid-19, bà con vùng đồng bào DTTS thực hiện rất nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng bào đã thay đổi hành vi của mình trong công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí vẫn cần đổi mới cách tiếp cận để đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng hơn; đưa công nghệ vào làm báo để truyền tải thông tin nhanh và thích ứng với thời đại. Báo in vẫn được duy trì và tăng thêm kênh thông tin khác là báo điện tử, báo phát thanh và báo hình...

Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Nhâm Hồng Hắc, Tổng Biên tập Báo Biên phòng cho biết: “Đối tượng bạn đọc của báo Biên phòng là cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân, đồng bào các DTTS khu vực biên giới, biển đảo. Để “giữ chân” bạn đọc, chúng tôi xác định luôn chau chuốt, tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng trang báo để tờ báo đạt chất lượng hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Bên cạnh đó, các tư liệu, hình ảnh sử dụng trên báo luôn được lựa chọn kỹ càng, theo hướng giàu thông tin, dễ đọc, dễ hiểu... Để có thông tin gần gũi với bạn đọc, đội ngũ phóng viên của Báo Biên phòng luôn bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và người dân...”.

“Bên cạnh đó, hiện nay, theo xu thế chung, chúng tôi đang mạnh dạn trong chuyển đổi số để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn. Hiện tại, được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Báo Biên phòng đang xây dựng lại quy trình sản xuất báo, xây dựng tòa soạn điện tử, lựa chọn các công nghệ tiên tiến mà các cơ quan báo chí khác đã áp dụng thành công để “đi tắt đón đầu”. Song song với vấn đề đó, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số” - Thượng tá Nhâm Hồng Hắc cho biết thêm.

Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019-2021, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, với đặc thù vùng đồng bào DTTS khó khăn, cách trở, xu thế chung các loại hình báo chí phát triển rộng rãi, trên nhiều nền tảng, nhưng báo in vẫn là thế mạnh đối với vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, để báo in phát huy tác dụng đến với người dân, các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, đưa đến những vấn đề mà người dân cần nhưng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO