Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 07:35 GMT+7

Khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa bão

Biên phòng - Sau khi cơn bão Sơn Tinh (bão số 3) đổ bộ vào đất liền rồi tan nhanh, suy yếu thành một vùng thấp đã gây mưa trên diện rộng. Tính đến ngày 20-7, thiệt hại do cơn bão gây ra tuy không lớn, nhưng tình trạng mưa, lũ quét sau bão đã làm ít nhất 5 người chết và 13 người mất tích. Hiện tại, các đơn vị BĐBP vẫn tiếp tục cử cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

zvqx_5c
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thu, BĐBP Nghệ An giúp dân bản Mường Phú tháo dỡ nhà có nguy cơ lũ quét chuyển đến vị trí an toàn. Ảnh: Hải Thượng

Tại tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 gây mưa lớn khiến 8 bản thuộc 6 xã: Trung Xuân, Sơn Điện, Tam Lư, Trung Tiến, Na Mèo, Sơn Hà của huyện miền núi Quan Sơn bị cô lập. Lực lượng chức năng đã cử người canh gác tại các điểm cô lập để tuyên truyền, không để người dân dùng bè vượt sông. Bên cạnh đó, lực lượng Quân đội, Công an, Dân phòng cũng tập trung xuống các bản, địa điểm có khả năng xảy ra sạt lở để hướng dẫn người dân ứng phó

Vào lúc 21 giờ, ngày 19-7, tại bản Hách, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã xảy ra lũ ống cuốn trôi 3 nhà dân và 7 người. Trong đó, gia đình ông Vi Văn Thiện có 4 người bị lũ cuốn trôi. Ngay trong đêm, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã huy động 30 CBCS tới hiện trường, phối hợp với các lực lượng và nhân dân địa phương tổ chức tìm kiếm, cứu các nạn nhân. Với tinh thần khẩn trương, nỗ lực khắc phục khó khăn, đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 2 thi thể người nhà ông Thiện và 3 người khác bị lũ cuốn còn sống. Vẫn còn 2 người mất tích.Sau khi tìm thấy 2 thi thể, các lực lượng tiếp tục đào bới bùn đất tìm kiếm các nạn nhân còn lại tại khu vực sạt lở dọc khe suối.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa lớn khiến nước lũ dâng cao làm một số ngầm tràn bị ngập sâu, gây chia cắt một số tuyến đường, làm 1 người dân bị thương. BĐBP Nghệ An đã cử nhiều tổ CBCS xuống địa bàn giúp dân di dời đến nơi an toàn, đồng thời, canh gác tại các điểm nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, dọc khe suối, sông, không cho nhân dân đi lại, vớt củi và đánh bắt cá. Cụ thể, tại xã Thông Thụ, mưa lũ làm ảnh hưởng đến 18 hộ dân, nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng, tuyến quốc lộ 48 bị ngập. Nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Tại địa bàn các xã Nậm Càn, Tà Cạ, Na Ngoi, Mường Típ, huyện Kỳ Sơn đã xuất hiện lũ ống, lũ quét cuốn trôi 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 nhà ăn của điểm trường mầm non, một số nhà dân bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn, nước suối dâng cao gây ngập lụt, sạt lở ở một số đoạn đường giao thông trên địa bàn xã, đặc biệt là các cây gỗ trôi theo dòng nước, làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Các Đồn Biên phòng Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã cử CBCS phối hợp địa phương thu dọn cây gỗ làm ảnh hưởng đến giao thông; giúp các gia đình bị sạt lở di chuyển đến nơi an toàn, cắm biển báo, những nơi nguy hiểm, chốt chặn, cảnh báo người dân không qua lại.

Để chủ động ứng phó với bão Sơn Tinh và mưa lũ sau bão, BĐBP các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã duy trì thường trực 8.109 CBCS/306 phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý tình huống khi có yêu cầu. Các đơn vị BĐBP đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện/237.532 người biết diễn biến của bão để chủ động ứng phó. CBCS BĐBP tham gia di dời 214 hộ/669 người cùng tài sản đến nơi an toàn. BĐBP các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đã điều động 657 CBCS/37 phương tiện tham gia phòng chống và giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão.

Tại địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương, nước trên các sông, suối dâng cao, đe dọa nhiều nhà dân. Đồn Biên phòng Tam Quang đã cử CBCS hỗ trợ các gia đình sơ tán, vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, đồng thời, tuyên truyền bà con không ra sông vớt gỗ, đánh bắt cá.

Tại Thái Bình, mái đê biển bị sạt 5 đoạn với tổng chiều dài là 135m. BĐBP Thái Bình đã huy động 30 CBCS tham gia khắc phục sạt lở đê biển đoạn thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trong khi đó, tỉnh Nam Định cũng bị sạt mái đê tại K3+570 tuyến đê Thanh Hương (đê biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). BĐBP Nam Định đã cử 12 CBCS giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Theo thống  kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến sáng 20-7, bão số 3 và mưa lũ đã làm 21 nhà bị sập, 827 ngôi nhà bị ngập nước, 365 nhà phải di dời khẩn cấp. Đã có hơn 3.900 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và gần 3.000ha thủy sản bị ảnh hưởng. Các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh bị ngập sâu do mưa lớn. Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, đã có gần 70.000 ha lúa bị ngập. Các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng.

Về giao thông, một số tuyến đường bị tắc tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La đã cơ bản được xử lý đảm bảo thông tuyến. Đến ngày 20-7, tại Quảng Ninh, giao thông vẫn bị chia cắt, khiến người tham gia giao thông không vào được thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ do ngầm tràn bị ngập sâu 2m.

Nhóm PV

Bình luận

ZALO