Biên phòng - Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Nhằm sớm đưa Luật BPVN đi sâu vào cuộc sống, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đồn BPCK Chi Ma có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài 16,325km và phụ trách địa bàn 3 xã: Yên Khoái, Tú Mịch và Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Trên địa bàn do đơn vị phụ trách có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Dao..., phân bố tại 19 thôn, bản (có 6 thôn, bản giáp biên giới).
Thượng tá Nguyễn Bá Hùng, Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma cho biết: Xác định tuyên truyền về Luật BPVN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, đơn vị đã bám sát kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, chủ động biên soạn các nội dung cốt lõi của Luật BPVN để tổ chức tuyên truyền gắn với các văn bản có liên quan. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, hình thức đa dạng. Thông qua hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Đồn BPCK Chi Ma đã linh hoạt tổ chức các hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền tập trung tại đơn vị và trụ sở UBND các xã; triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống nhà dân, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; phát huy vai trò của tổ thông tin, truyền thông do đồn Biên phòng và chính quyền các xã phối hợp triển khai để tuyên truyền một cách cụ thể...
Bà Trịnh Thị Cương, ở thôn Chi Ma, xã Yên Khoái cho biết: Gia đình tôi có đất canh tác ở giáp biên giới. Nhiều năm nay, gia đình tôi ký kết tham gia phối hợp với BĐBP tự quản đường biên, cột mốc theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua nghe cán bộ Đồn BPCK Chi Ma tuyên truyền, phổ biến những nội dung, quy định mới của Luật BPVN, chúng tôi càng hiểu rõ hơn trách nhiệm, vai trò của người dân trong tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới.
Bằng việc triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đầu năm 2022 đến nay, Đồn BPCK Chi Ma đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại các xã trên địa bàn tổ chức được 10 buổi tuyên truyền tập trung cho gần 950 lượt cán bộ, nhân dân; tuyên truyền nhỏ lẻ được 85 buổi cho 1.750 lượt người nghe; phát 3.200 tờ rơi; tổ thông tin, truyền thông phát 200 lượt bản tin, trong đó, lồng ghép tuyên truyền những vấn đề cốt lõi của Luật BPVN.
Ông Lương Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch cho biết: Để sớm đưa Luật BPVN đến cán bộ và nhân dân địa phương, UBND xã đã phối hợp với Đồn BPCK Chi Ma tổ chức hội nghị tuyên truyền tập trung với sự tham gia của hơn 100 cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con thấy rõ được nhiệm vụ của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Theo Thượng tá Nguyễn Bá Hùng, trong thời gian tới, Đồn BPCK Chi Ma sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về Luật BPVN. Đây chính là cơ sở rất quan trọng để huy động sức mạnh nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.
Đình Quang