Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 11:44 GMT+7

Khẩn cứu ngư trường…

Biên phòng - Vùng biển Tây Nam thuộc hải phận của 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, rộng khoảng 140 ngàn km2. Tuy vùng biển không rộng, nhưng có nhiều nguồn lợi thủy sản. Nhiều năm trước đây, ngư dân Cà Mau và Kiên Giang chỉ cần những ngư cụ thô sơ là có thể đánh bắt được hải sản thu nhập dồi dào, đời sống no đủ…

5b9333e045571488c0000687
Ghe biển đậu kín mặt sông Cái Bé, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang gây mất an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: Tiến Vinh

Như nghề cặm nò, chỉ cần vài trăm cây tràm, cắm lưa thưa trên biển, mỗi cây cách xa nhau vài chục mét. Ấy vậy mà cá vẫn lần theo hàng cây đó mà vào bầu. Hôm nào may mắn, có đàn cá rún đi qua, chủ nò xúc vài chục tấn, bán được cả chục cây vàng. Hay nói về nghề lưới bao, chỉ cần cho tàu chạy dạo trên biển, khi nào chèo dọc phát hiện bầy cá nổi lên, thì thả lưới bao kéo lên cả đàn cá. Thú vị nhất là nghề câu kiều, lưỡi câu không có mồi, được kết lại thành một dàn câu. Cứ thế thả xuống biển, cá đi qua vướng vào lưỡi câu, nhấc lên là bắt cá...                      

Đó là vào những năm trước đây, khi con người đối xử hài hòa, thân thiện với biển cả, thì biển cả cũng cho con người một cuộc sống ấm no, sung túc. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước phát triển nghề khai thác hải sản một cách ồ ạt, mất kiểm soát. Hiện nay, cả nước có hơn 100 ngàn tàu đánh cá, trong đó, Kiên Giang “đóng góp” trên 14 ngàn tàu lớn nhỏ, có hơn 4 ngàn tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Như vậy, chia trung bình cho diện tích 63 ngàn km2 mặt biển của tỉnh thì mỗi chiếc tàu chỉ có hơn 4km2 mặt biển để đánh bắt thủy hải sản, như vậy quá chật chội, biển không thể nào gánh nổi. 

Ngư trường đã chật hẹp, lại còn đánh bắt bằng các nghề mang tính hủy diệt như: Thuốc nổ, xung điện, kéo cào, xiệp mé... Khai thác quanh năm, không theo mùa vụ, nguồn lợi thủy sản không được tái sinh, dẫn đến ngư trường bị cạn kiệt. Ngoài ra, biển còn hứng chịu một lượng rác thải, nước thải độc hại từ các nhà máy, các cửa sông, các đô thị ven biển, thải ra không qua xử lý, do đó, biển càng bị ô nhiễm nặng nề.

Hệ lụy của những việc làm trên là: Ngư dân khai thác trên biển không hiệu quả, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ đó, các tệ nạn trên biển bắt đầu hình thành, đến nay đã trở thành vấn nạn... Từ năm 2010 đến nay, tình trạng buôn lậu trên biển gia tăng, diễn biến phức tạp. BĐBP Kiên Giang đã bắt giữ trên 700 ngàn lít xăng, dầu,  383 ngàn gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 122,7m3 gỗ, 109 ngàn kg đường cát Thái Lan, 505,9kg thuốc nổ TNT, 28 tấn cáp ngầm viễn thông lấy trộm dưới đáy biển.

Không dừng lại ở đó, ngư dân còn xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trộm hải sản. Từ năm 2016 đến nay, Kiên Giang có 127 tàu cá và 671 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, phạt tù 42 thuyền trưởng, 37 tài công, phá hủy 15 tàu, tịch thu 42 tàu, phạt 18 tỷ đồng, 150 ngàn đô-la Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo thẻ vàng đối với ngành thủy sản nước ta về: Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ nay đến hết năm 2018, nếu không khắc phục được tình trạng trên, thì đồng nghĩa với 1 thẻ đỏ, EU sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam. Đúng là biển Việt Nam đang nằm trong tình trạng khẩn nguy, cần được giải cứu.

“Chúng tôi, những chiến sĩ mang quân hàm xanh đề nghị ngư dân phát huy truyền thống yêu nước, cùng với các lực lượng chức năng trên biển quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao ý thức bảo vệ ngư trường, môi trường biển, khai thác hải sản theo đúng quy định, tôn trọng chủ quyền vùng biển của nước khác. Đồng thời, sớm trả lại hình ảnh đẹp của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế...” - Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy BĐBP Kiên Giang nói.

Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-1-2019, trong đó quy định chặt chẽ hạn ngạch cấp phép khai thác và bắt buộc các tàu cá phải gắn thiết bị giám sát hành trình và có đủ các điều kiện cần thiết mới được khai thác hải sản trên biển. Luật cũng quy định về ngư cụ, phương tiện được khai thác thủy sản, những vùng nuôi trồng, vùng khai thác, nhằm bảo về môi trường sống của các loài thủy sản, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngư dân sẽ sống được ở ngư trường của quê hương mình, đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm và tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ vùng biển.

Đặng Văn - Tiến Vinh

Bình luận

ZALO