Biên phòng - Trải qua bao biến động của chiến tranh, từ dời làng rồi lại lập làng, người Cơ Tu từ xa xưa, luôn xem Gươl (ngôi nhà làng truyền thống) để sinh hoạt, hội họp, vui chơi, nơi để tổ chức những lễ hội truyền thống của cộng đồng. Gươl là “linh hồn làng” - một biểu tượng văn hóa cao nhất của đồng bào dân tộc Cơ Tu, cũng là nơi để những nghệ nhân điêu khắc dân gian dân tộc Cơ Tu tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ cũng như nghệ thuật tạo hình, với nhiều tác phẩm hội họa kiệt tác, trong đó có hình ảnh con hổ ở Gươl làng người Cơ Tu rất sinh động và đặc sắc.

Đến nay, người ta biết đến ở tộc người Cơ Tu là cư dân sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn, địa vực cư trú được phân bố thành 3 vùng: Người Cơ Tu vùng cao, người Cơ Tu vùng trung và người Cơ Tu vùng thấp tại 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, thì Gươl là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời. Gươl, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu.
Theo phong tục cổ truyền của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, Gươl luôn được bố trí ở trung tâm làng, dành cho sinh hoạt cộng đồng. Gươl của người Cơ Tu được làm với công cụ thô sơ như rìu, rựa, dao và từ các vật liệu tre, gỗ, mây... Gươl của người Cơ Tu không chỉ được làm với những kiến trúc độc đáo, mà còn là những hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp với đời sống của đồng bào Cơ Tu.
Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những nghi thức bản địa đặc sắc, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, Gươl còn là công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, điêu khắc gỗ, phản ánh về nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật, cũng như tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất. Những tác phẩm điêu khắc trang trí trên Gươl là sáng tạo rất kỳ công của những nghệ nhân dân tộc Cơ Tu, mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật truyền thống của một cư dân bản địa.
Có dịp đến vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, trải dài từ ngạn nguồn sông Thanh của huyện Nam Giang, qua Đông Giang rồi ngược lên sông A Vương, thuộc huyện Tây Giang, thì thôn/làng nào của đồng bào dân tộc Cơ Tu đều có Gươl, dù lớn hay nhỏ. Nhìn bên ngoài của Gươl “có dáng” hay không là nhờ các trang trí trên đầu nóc, đầu hồi. Gươl không chỉ toát lên nét đẹp thuần túy, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ý nghĩa bao quát toàn bộ cấu trúc của Gươl là khát vọng của đồng bào Cơ Tu cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no mà người Cơ Tu đã từng gắn bó, phát triển...
Tận mắt chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà Gươl trong các thôn/làng của người Cơ Tu và tìm hiểu qua các nghệ nhân dân gian Cơ Tu đã tự tay điêu khắc, xây dựng các ngôi nhà cộng đồng đó, chúng tôi mới hiểu phần nào giá trị của Gươl. Bên cạnh đó, nét tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay và khối óc của những nghệ nhân dân tộc Cơ Tu đã tạo hình con hổ rất đặc sắc, ẩn chứa tâm linh của những con người bản địa.
Đề tài điêu khắc, đến các phù điêu gỗ các con thú như thằn lằn, voi, hổ, rắn, chim muông... phản ánh trên Gươl khá đa dạng, phong phú, thể hiện cái nhìn hồn nhiên về thiên nhiên, thế giới động, thực vật và cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người Cơ Tu. Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam quan niệm, con hổ chính là chúa tể rừng xanh, nó cũng là biểu tượng sức mạnh siêu nhiên. Hầu hết trong Gươl của người Cơ Tu, con hổ cũng được nghệ nhân dân gian khắc họa khá rõ nét và sinh động. Ngôi nhà Gươl nào chúng tôi nhìn thấy cũng có bản khắc gỗ con hổ trên bậc cửa bước vào nhà Gươl.
Trên phần tấm ván thương trước Gươl, cũng có hình tượng con hổ ở hai đầu như án ngữ bảo vệ dân làng, đến những vị cột, đà ngang bên trong Gươl đều có hình ảnh của con hổ săn mồi bắt dê, bắt nai. Và còn rất nhiều bức phù điêu trên gỗ ở Gươl với hình ảnh hổ đứng vui cùng người Cơ Tu múa tung tung da dá, nghe người già hát lý, được các nghệ nhân dân gian Cơ Tu gọt đẽo, chạm trổ công phu và sử dụng màu sắc tô vẽ rất tài tình.
Với người Cơ Tu, ngoài điêu khắc hình tượng hổ trên mái Gươl làng, thì họ còn có tục đeo vuốt hổ, nanh hổ treo ở Gươl - ngôi nhà cộng đồng của mình như để xua đuổi ma xấu, chống lại điều xui xẻo, cầu mong có sức mạnh như hổ. Nhìn vào hổ ở Gươl, kẻ xấu phải sợ hãi, lo lắng, biết ai trong làng có “cái bụng xấu”, cái tâm ý không trong sáng. Hình ảnh cô đọng nhất, đem lại xúc cảm cho người thưởng ngoạn, chính là những con hổ được nghệ nhân dân gian dân tộc Cơ Tu khắc họa khá rõ nét và sinh động.
Đó là chất men gây cảm hứng cho những nghệ sĩ dân gian dân tộc Cơ Tu trong qua sự sáng tạo nghệ thuật, làm đẹp cho rừng núi, thôn/làng, ẩn chứa tâm linh của những con người bản địa thông qua nghệ thuật tạo hình. Với những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ nói chung và với hình tượng hổ nói riêng, đã làm cho Gươl trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl, là niềm tự hào của người Cơ Tu - là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng Gươl truyền thống.
Xuân Nhâm Dần 2022, nếu có dịp lên Trường Sơn, đến vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống từ Nam Giang, qua Đông Giang rồi ngược lên huyện Tây Giang, với những dãy núi trập trùng ẩn hiện trong mây, những thác suối quanh năm tấu khúc nhạc róc rách nhiều cung bậc, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương, tiếng chim rừng trầm bổng ngân xa như một bản giao hưởng bất tận, bạn còn có cơ hội để khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa rất đặc sắc, về hình ảnh con hổ ở Gươl làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, thì có gì vui và thích thú bằng.
Nguyễn Văn Sơn