Biên phòng - Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam không tiếp cận được tín dụng. 70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các HTX, hoặc các HTX có làm tín dụng cũng là tự phát, căn cứ vào văn bản pháp luật thì còn nhiều thiếu sót, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho HTX. Vậy làm thế nào để khai thông tín dụng cho các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế
Ông Cần Hoài Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp Tâm Tính cho biết: “HTX chúng tôi là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm từ 2022-2027, chúng tôi có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000ha. Nhưng vì nguồn vốn của HTX có hạn nên trong năm 2022, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ được bà con cho nợ cây giống để trồng 50ha”.
Từ thực tế của chính mình, ông Cần Hoài Anh đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho HTX là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi.
Hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn của HTX nông nghiệp Tâm Tính cũng là thực trạng chung của nhiều HTX trên cả nước. Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến tháng 6/2020, cả nước có tất cả 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình HTX trên cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân cho mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong số đó, 37% HTX đã tham gia liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; khoảng 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hơn 1.000 HTX là chủ thể OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, HTX cần phát triển mạnh hơn nữa cả về số lượng, thành viên và doanh thu. Thực tế, ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể HTX còn khá hạn chế. Trong khi đó, tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong Luật HTX có quy định. Khoảng 1.200 HTX có tín dụng nội bộ và huy động từ quỹ nhân dân chủ yếu để giải quyết các hoạt động phi nông nghiệp.
“Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hằng năm, đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển” - ông Định thông tin thêm.
Theo ông Định, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích được nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội là một tổ chức tín dụng đặc thù, bởi các đối tượng và chính sách tín dụng theo chỉ định của Chính phủ, chủ yếu là hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo ông Hải, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, 2 chính sách này hiện mới dừng lại ở nghị định của Chính phủ và không phải tất cả doanh nghiệp hoặc HTX đều được tiếp cận với chính sách này. Ví dụ, để được vay vốn phát triển theo chuỗi giá trị, thì các doanh nghiệp, HTX phải sử dụng tối thiểu từ 70% lao động là người DTTS. Thứ hai, nếu vay vốn để phát triển vùng dược liệu quý, thì doanh nghiệp, HTX phải sử dụng tối thiểu 50% lao động là người DTTS và tham gia dự án phát triển vùng dược liệu quý hoặc dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn, phát triển dược liệu quý.
Xây dựng chính sách phù hợp cho hợp tác xã vay vốn
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HTX nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp) cho rằng, tín dụng nội bộ là hoạt động rất bức thiết với HTX. Việc giải quyết được tín dụng nội bộ cho HTX sẽ góp phần giảm thiểu tín dụng đen.

Để tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, ông Nguyễn Tiến Định đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, tài sản cho HTX tham gia chuỗi để hình thành tài sản và thông qua tài sản này có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn. Đồng thời, cần sửa đổi Thông tư 15/VBHN-NHNN, quy định góp vốn tối thiểu của thành viên HTX; khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho HTX, gói tín dụng để giúp nông dân phát triển tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình GAP...
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (Phú Yên) đề xuất tổ chức các lớp học đào tạo cho giám đốc HTX nắm rõ về vấn đề tài chính, kế toán để xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả.
Bàn về nguồn vốn tín dụng huy động cho các HTX, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc tập trung giải quyết, tháo gỡ là phương pháp đánh giá, định giá tài sản thế chấp của HTX. Ông Toản đề nghị các ngân hàng cần thay đổi “khẩu vị tín dụng” đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì nông nghiệp là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế. Hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp. Ông Toản cũng đề xuất xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó, có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX.
Trước đây, HTX thực hiện theo Thông tư 15/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX. Tuy nhiên, đến nay, thông tư này không còn giá trị pháp lý, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn, nên các HTX đang lúng túng trong điều hành vì sợ làm sai. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn để HTX thực hiện.
Xuân Hương