Biên phòng - Trong những năm vừa qua, không chỉ gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, với thế mạnh là tỉnh biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số với phong phú các lễ hội, phong tục, nghi lễ độc đáo khác nhau, nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai đã biết tận dụng và phát huy lợi thế để thực hiện lợi ích kép, biến di sản thành tài sản…

Điển hình trong phát triển du lịch gắn kết với văn hóa là mô hình phát huy và bảo tồn làng cổ của người Tày tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã và đang phát huy hiệu quả; vừa bảo tồn nét văn hóa độc đáo trong tín ngưỡng, văn hóa dân gian, kiến trúc nhà ở và ẩm thực của đồng bào, vừa thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Nằm trên trục du lịch kết nối giữa Hà Nội - Lào Cai và Hà Giang, huyện Bảo Yên có những tiềm năng và cơ hội mới để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài phát huy lợi thế phong cảnh thiên nhiên hữu tình, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch đang được cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Yên hết sức coi trọng.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên chia sẻ: UBND huyện Bảo Yên đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội đồng Di sản quốc gia, Hội Kiến trúc Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam... thực hiện các công trình nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó, phục dựng Lễ hội đền Nghĩa Đô, phục dựng Lễ dâng cốm và ngày hội làm cốm, các nghi lễ rước nước thiêng, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh yến, thi gánh nước, bắn nỏ... đồng thời, thành lập Câu lạc bộ hát Then dân tộc Tày theo chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Bảo Yên đã trở thành điểm đến mới mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc được nhiều du khách thích thú bởi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa và những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc.
Trước đó, bản sắc văn hóa vùng cao Sa Pa, Bắc Hà hay Y Tý (huyện Bát Xát) cũng đã tạo thành thương hiệu cho du lịch Lào Cai thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch sôi động sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch Covid-19. Hầu hết các chương trình du lịch tại các địa phương này đều khai thác triệt để chất liệu dân gian của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó...
Đến Sa Pa, du khách được khám phá văn hóa các dân tộc ở xã Tả Phìn qua trải nghiệm hái lá thuốc của người Dao đỏ, làm thuốc tắm từ thảo dược; tìm hiểu đạo lý và trải nghiệm lớp học chữ viết Nôm Dao ở Tả Phìn. Đồng thời, hòa vào nhịp sống của làng bản vùng cao, du khách còn được tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống như: Chạm khắc bạc của người Mông, người Dao đỏ, nghệ thuật làm trống da bò, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu hoa văn thổ cẩm...
Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) chia sẻ: Thật vui khi khách du lịch đã trở lại sau hơn 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong hơn 2 tháng qua, rất đông du khách đã đến và hào hứng trải nghiệm nghề làm hương truyền thống của dân tộc Giáy, nghề nhuộm chàm, vẽ sáp ong của dân tộc Mông...
Những giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao Sa Pa đã được các thành viên trong hợp tác xã giới thiệu, quảng bá đến với du khách. Đây cũng là hướng phát triển du lịch bền vững, khi những tour trải nghiệm sắc màu văn hóa bảnđịađã được rất nhiều công ty lữ hành du lịch đưa vào thành sản phẩm du lịch đặc trưng trong hành trình đến với vùng cao Sa Pa.
Ở huyện Bắc Hà, thời gian gần đây cũng đã tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng, khám phá sắc màu văn hóa dân tộc Tày ở các làng du lịch Na Lo-Tà Chải, du lịch cộng đồng ở Bản Liền... Những điểm đến này đang được chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển du lịch, nhưng vẫn chọn cách ưu tiên bảo tồn và khai thác thế mạnh về văn hóa dân tộc Tày nơi đây. Ngoài trải nghiệm cuộc sống ở bản làng người Tày, ở các làng du lịch cộng đồng đã tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo thông qua các hoạt động như: Trải nghiệm làm cốm ở làng cốm Na Lo, trải nghiệm xòa Tà Chải - di sản văn hóa phi vật thể...
Huyện Bắc Hà cũng đã khôi phục chợ đêm Bắc Hà để tổ chức biểu diễn các chương trình ca múa nhạc đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao như: Mông, Tày, Phù Lá, La Chí, Dao đỏ (múa gậy xênh tiền, nhảy lửa, biểu diễn dân ca Mông, sáo Mông...) thu hút rất đông khách du lịch, nhất là vào dịp cuối tuần, các dịp nghỉ lễ dài ngày.
Không chỉ có các địa phương đã định danh trên bản đồ du lịch Lào Cai, mới đây, thành phố Lào Cai đã có nhiều động thái tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó, đặc biệt coi trọng thế mạnh văn hóa, nhất là các xã vùng ven để phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Ngô Vũ Quốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết: Thành phố đã chủ động mời các chuyên gia tư vấn về văn hóa, du lịch để triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên phát huy các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn thành phố như: Lễ hội đền Thượng, Lễ hội xuống đồng, Lễ hội hương cốm xã Hợp Thành...
Thành phố Lào Cai cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý cũng như bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc, xây dựng làng du lịch cộng đồng tại các xã gắn với nông thôn mới kiểu mẫu, đầu tư nâng cấp chợ phiên văn hóa Tả Phời - Hợp Thành.
Với một địa phương có 25 dân tộc anh em sinh sống như Lào Cai thì việc lựa chọn cách phát triển du lịch bền vững hơn bao giờ hết phải gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng: Ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch mang thế mạnh của Lào Cai như: Trải nghiệm danh thắng ruộng bậc thang, sắc màu chợ phiên, leo núi ngắm hoa đỗ quyên, chinh phục đỉnh cao..., những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã chú trọng bảo tồn văn hóa song hành với phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Mới đây, ngành văn hóa địa phương cũng đã tiến hành bảo tồn các làng văn hóa truyền thống như làng cổ của người Hà Nhì ở Y Tý (huyện Bát Xát), làng cổ của người Tày ở Nậm Cằm (huyện Bảo Yên), làng cổ của người Mông ở Cát Cát (thị xã Sa Pa). Đây đang là hướng đi mang tính bền vững cho du lịch Lào Cai.
Lê Thanh Cường