Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do

Biên phòng - Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) vào các thị trường lớn và khó tính. Thị trường XK và mặt hàng XK của Việt Nam cũng được mở rộng hơn, tăng trưởng cả về lượng và trị giá.

EU trở thành thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Mai Hoàng

Bộ Công thương cho biết, với việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), kim ngạch XK của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhất là tại các thị trường khó tính như Canada. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, XK hàng hóa từ Việt Nam sang Canada trong năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8%. Đây là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2019 sau khi Việt Nam và Canada chính thức là thành viên của Hiệp định thương mại tự do CPTPP.

Tất cả các lĩnh vực XK sang Canada năm 2021 có sự tăng trưởng so với năm 2020, trong đó, máy móc, điện, điện tử vẫn là mặt hàng chủ lực với tổng giá trị XK trên 1,5 tỷ USD (tăng 8,9%). Các sản phẩm dệt may, giày dép, túi xách sau khi bị sụt giảm trong năm 2020 đã lấy được đà tăng trưởng ấn tượng trở lại ở mức trên 1,4 tỷ USD (tăng 16,6%). Đồ gỗ nội thất đạt 234 triệu USD, tăng 6,5%. Các sản phẩm nông, thủy sản tiếp tục khẳng định chỗ đứng tại thị trường khó tính này. Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, hạt điều Việt Nam chiếm 90% thị trường, hạt tiêu chiếm 50%, tôm chiếm 30%... Một số loại hoa quả tươi đã được XK sang Canada như: Bưởi, thanh long, xoài, chôm chôm, dừa, nhãn, vải... với giá trị khoảng 8 triệu USD/năm, mở ra triển vọng mới cho nông sản Việt Nam XK vào thị trường này.

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á và dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này vẫn còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada. Việc thực thi Hiệp định CPTTP là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.

Với việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch XK của Việt Nam sang các nước thành viên cũng có sự tăng trưởng rất tích cực. Trong đó, XK nông sản của Việt Nam sang Hà Lan có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Nhiều sản phẩm rau quả mới của Việt Nam đã được XK sang thị trường này như măng nứa tươi, vải thiều và nhận được sự phản hồi tích cực.

Nhiều loại rau quả, trong đó có trái bưởi đã được thị trường EU đón nhận. Ảnh: Lê Hường

Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong 11 tháng năm 2021 đạt hơn 500 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Hà Lan chiếm 50% kim ngạch XK hạt điều của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU), chiếm 44,3% thị phần rau quả và 39,1% về hạt tiêu...

Đối với thị trường Đức, Hiệp định EVFTA đã tạo lực đẩy đưa nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, Đức là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch đạt hơn 641 triệu USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng Việt Nam được xuất nhiều sang Đức, nhất là cà phê, tiếp đến là điều tăng trưởng cả về lượng và giá trị. Việt Nam đã XK sang thị trường này hơn 209 nghìn tấn cà phê, trị giá hơn 377 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và hơn 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Gần 20 nghìn tấn hạt điều cũng được xuất vào Đức, với trị giá hơn 122 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và 6,2% về trị giá. Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 11 trong nhóm các thị trường cung cấp nông sản hàng đầu của Đức, đạt 528 triệu USD, chiếm 2,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Đức. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đang là nguồn cung nông sản lớn nhất của Đức, vượt xa các thị trường cung cấp khác như Trung Quốc, Ấn Độ...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản vào Đức khi Hiệp định EVFTA sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam XK sang Đức sau 7 năm hiệp định có hiệu lực. EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam, giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường Đức.

Nhìn toàn cảnh, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch XK nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU cơ bản đều tăng trưởng tích cực. Ngoài Đức và Hà Lan đã nói ở trên, kim ngạch XK sang Italy đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%; Tây Ban Nha đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6%; Pháp đạt 142 triệu USD, tăng 25,2%... Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch XK nhỏ, nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng XK: Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%),...

Xét về mặt hàng, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, các ngành hàng XK của Việt Nam vào thị trường EU đều có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, mặt hàng cà phê đạt trị giá XK 939 triệu USD trong 11 tháng năm 2021. Con số này đưa EU trở thành thị trường XK cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch XK mặt hàng này. Mặt hàng có kim ngạch XK lớn thứ hai trong số các mặt hàng nông sản XK sang EU là hạt điều (734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá); cao su (175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và 72,6% về trị giá); gạo (38 triệu USD, chỉ tăng 0,8% về lượng, nhưng tăng tới 21,6% về trị giá)...

Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO