Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Khai thác hải sản bằng thuốc nổ: Cần ngăn chặn triệt để

Biên phòng - Thực trạng ngư dân sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy, hải sản trên vùng biển Bình Thuận những năm gần đây diễn biến phức tạp, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hướng đến môi trường biển, làm cho dư luận rất bức xúc. Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Thuận đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm.

5aa77df9471e3c5ea5001195
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hồ Phúc

Có mặt tại cảng Phú Hải, phường Thanh Hải (thành phố Phan Thiết) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp của ngư dân đang chuẩn bị tàu, thuyền, ngư lưới cụ... để ra khơi. Cùng với đó là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hải, BĐBP Bình Thuận xuống tận nơi thăm hỏi và thông báo tình hình trên biển cho bà con, với những cử chỉ thân thiện, tiếng cười giòn tan thể hiện sự gần gũi của những người lính Biên phòng với người dân trên địa bàn biên giới biển này.

Thượng tá Vũ Văn Thường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Hải cho biết: “Thời gian gần đây, ngư dân trên địa bàn đơn vị quản lý đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt, khai thác đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Tình trạng các phương tiện dùng vật liệu nổ cũng đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi. Nhân dân hiểu rõ được hình thức đánh bắt theo kiểu “tận diệt” trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy, hải sản, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nguy hiểm đến tính mạng của chính bản thân ngư dân và gây mất an ninh trật tự trên biển”.

Tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài gần 200km với nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào. Trước đây, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép thủy, hải sản diễn ra phức tạp, các đối tượng ém chặt thuốc nổ trong những vỏ lon, ống sữa bằng kim loại để khi đốt có sức công phá mạnh làm cá chết hàng loạt hoặc không còn khả năng di chuyển, sau đó thả lưới xuống vớt cá lên. Số cá vớt không hết thì chết chìm xuống biển dẫn đến môi trường biển ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, lực lượng Biên phòng Bình Thuận cùng chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp như: Bám nắm địa bàn, tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không đánh bắt thủy, hải sản bằng thuốc nổ, xung điện. Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn bất chấp quy định của pháp luật, lén lút dùng thuốc nổ trong đánh bắt, khai thác.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Trần Kim Ly, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Bình Thuận cho biết: “Theo thống kê, những năm qua, một số địa phương thuộc huyện Tuy Phong, huyện đảo Phú Quý và thành phố Phan Thiết thường hay xảy ra tình trạng dùng vật liệu nổ để khai thác thủy, hải sản theo kiểu tận diệt. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản và ngăn chặn tình trạng này, lực lượng Biên phòng cũng đã tổ chức tuần tra, theo dõi, xử lý nghiêm các chủ phương tiện có hành vi dùng chất nổ để đánh bắt tại các khu vực quản lý.

Năm 2017, BĐBP Bình Thuận đã phát hiện và bắt giữ 6 vụ với 6 đối tượng sử dụng vật liệu nổ trái phép, thu giữ hơn 47kg thuộc nổ, 319 kíp nổ, 26m dây cháy chậm. Đơn vị đã khởi tố 3 vụ với 3 đối tượng, xử phạt hành chính 3 vụ/3 đối tượng, với số tiền 30 triệu đồng”.

Đại tá Trần Kim Ly còn cho biết thêm, so với những năm trước, từ đầu năm 2017 đến nay, số vụ đánh bắt thủy, hải sản bằng chất nổ đã giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng này là rất khó, bởi chế tài chưa đủ mạnh. Theo quy định hiện hành, đối tượng vi phạm chỉ bị khởi tố khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang sử dụng 1kg chất nổ trở lên.

Trong khi đó, việc tiếp cận tàu cá có hành vi vi phạm trên biển không đơn giản. Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm thường giấu thuốc nổ lẫn trong ngư cụ và xuất bến vào ban đêm. Nếu lực lượng Biên phòng tăng cường kiểm tra, họ buộc thuốc nổ vào phao, rất khó kiểm soát. Khi bị phát hiện, họ tìm cách tẩu tán tang vật xuống biển nên khó bắt quả tang để xử lý.

Bên cạnh đó, không ít ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận sang vùng biển của tỉnh Bình Thuận để sử dụng thuốc nổ đánh bắt thủy, hải sản, khiến cho tình hình càng khó kiểm soát. Không ít trường hợp nhận được tin báo có ngư dân sử dụng thuốc nổ, nhưng khi lực lượng chức năng cơ động ra kiểm tra lại không có.

5aa780fbf9ff1920020029c6
Đối tượng tàng trữ thuốc nổ trái phép bị Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý bắt giữ. Ảnh: Hồ Phúc

Để từng bước đẩy lùi tình trạng khai thác thủy, hải sản theo kiểu “tận diệt”, ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên biển, bám địa bàn, xử lý nghiêm các vụ vi phạm..., các đồn Biên phòng còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản cũng như tác hại của việc đánh bắt thủy, hải sản bằng thuốc nổ đối với nguồn lợi, hệ sinh thái đáy biển.

Anh Trần Văn Bảy (sinh năm 1974), trú tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết chia sẻ: “Nắm và hiểu rõ tác hại của việc dùng vật liệu nổ trong đánh bắt thủy sản nên ngư dân chúng tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi ra khơi. Hàng năm, tôi và bà con đều ký cam kết không sử dụng vật liệu nổ trong đánh bắt thủy, hải sản. Đồng thời, tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trên biển để cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải nắm bắt và xử lý kịp thời”.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO