Biên phòng - Sáng 10-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Phiên họp 23, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 8 dự án Luật bao gồm: Luật Cảnh sát Biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017…
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Chương trình phiên họp thứ 23 có sự điều chỉnh nhiều nội dung so với kế hoạch ban đầu, trong đó rút khỏi phiên họp các dự án luật bao gồm: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Dân số. Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư.
Đối với đề án thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được lùi lại sau khi QH xem xét thông qua luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 tới, để làm căn cứ cho ý kiến.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam (CSBVN). Theo Tờ trình, dự án Luật CSBVN được xây dựng gồm 8 chương, 49 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của CSBVN; quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSB Việt Nam.
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về CSBVN hiện nay mới là pháp lệnh, nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSBVN trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSBVN là cấp bách và cần thiết.
Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật CSBVN nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng CSBVN bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSBVN.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Viết Hà