Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

“Khách hàng tự tìm đến tôi”

Biên phòng - Đó là chia sẻ của chị Sùng Y Xía, một giáo viên tiểu học ở xã Pà Cọ, Mai Châu, Hòa Bình khi được hỏi về con đường đưa thổ cẩm của người Mông ra thị trường. Thực tế, trong khi nhiều doanh nghiệp phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, thì chị Xía không mấy khó khăn trong việc đưa thổ cẩm đến tay người tiêu dùng. “Khách hàng thường tự tìm đến tôi thông qua facebook và sự giới thiệu truyền miệng từ người này qua người khác” - Chị Xía vui vẻ cho biết.

ls98_13a
Chị Sùng Y Xía bên các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo. Ảnh: Bích Nguyên

Trò chuyện với chúng tôi trong bộ trang phục truyền thống tự tay may, chị Xía bật mí: “Để may một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông cần rất nhiều thời gian và công sức. Lâu nhất là khâu cắt vải, khâu thành những hình họa tiết trang trí cho bộ trang phục. Phải khéo tay và kiên trì mới khâu đẹp được. Bộ trang phục này phải mất gần 5 tháng, tôi mới làm xong, từ khâu dệt vải lanh, nhuộm vải, cắt may, khâu, thêu họa tiết. Giá trị của một bộ trang phục của phụ nữ Mông vì thế rất đắt, thường là từ 7-10 triệu đồng”.

Chị Xía là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cọ. Như nhiều người Mông cùng thời, ngay từ nhỏ, chị được làm quen với cây lanh, học cách trồng lanh, dệt vải, thêu hoa văn, vẽ sáp ong - những kỹ thuật cơ bản của nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bà và mẹ. Cho tới khi chị thành thạo từng đường kim, mũi chỉ, tự may được trang phục truyền thống cho mình cũng là lúc sự hưng thịnh thổ cẩm truyền thống đi xuống.

Lối sống hiện đại xâm nhập vào từng nóc nhà người Mông ở Pà Cọ, làm mai một những nét văn hóa truyền thống dân tộc, kể cả việc may mặc trang phục truyền thống. “Người trồng cây lanh ngày càng ít đi. Nghệ thuật vẽ sáp ong cũng biến mất cách đây 20 năm rồi. Những người phụ nữ cũng quên dần cách nhuộm chàm, vẽ sáp ong. Số người tự tay thêu thùa, may váy áo truyền thống ngày càng ít. Họ chọn những loại vải bán sẵn ở ngoài chợ rẻ hơn để may trang phục, vì thế, nhiều bộ quần áo dần mất bản sắc của người Mông” – Chị Xía kể.

Tiếc nuối trước sự mai một của thổ cẩm truyền thống, chị Xía ngoài giờ lên lớp vẫn dành thời gian tự tay nhuộm vải, thêu, vẽ họa tiết bằng sáp ong, may trang phục truyền thống cho riêng mình. Chị tâm sự: “Tôi không muốn bị mất gốc nên tìm mọi cách để giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Tôi đặt ra quyết tâm không chỉ dệt vải may mặc cho bản thân, mà còn làm nhiều sản phẩm bán ra thị trường để mọi người biết đến Pà Cọ vẫn còn có vải thổ cẩm truyền thống đẹp mắt chứ không chỉ là điểm nóng về hoạt động của tội phạm ma túy”.

Suy nghĩ đó thôi thúc cô giáo Xía đánh thức khung cửi, từng bước làm nên giá trị cộng thêm cho sản phẩm thổ cẩm của người Mông. Khởi đầu công việc kinh doanh của chị Xía khá thuận lợi. “Tôi là giáo viên tiểu học nên không có nhiều thời gian. Ban đầu, tôi chỉ làm những sản phẩm nhỏ, đơn giản như túi, ví gửi bán ở những điểm du lịch. Có lần, một công ty du lịch đi khảo sát về kỹ thuật vẽ sáp ong họ đến xã làm việc và biết tới tôi. Họ đề nghị tôi vẽ sáp ong cho họ quay phim một lúc. Sau đó, họ mời tôi xuống Hà Nội dạy các bạn đó vẽ, trải nghiệm dệt vải. Tôi đồng ý và mang một số sản phẩm xuống Hà Nội giới thiệu. Tôi còn được mời đi Hội An, trình diễn kỹ thuật vẽ sáp ong cho khách du lịch nước ngoài. Họ xem tôi vẽ, quay video đăng lên facebook. Những khách hàng đầu tiên của tôi là người nước ngoài. Qua facebook ngày càng có nhiều người biết tới sản phẩm thổ cẩm của tôi và tự tìm đến tôi đặt hàng” - Chị Xía kể.

Số đơn đặt hàng ngày càng tăng, chị Xía nghĩ tới điều lớn lao hơn “đa dạng hóa mẫu sản phẩm, nâng cao giá trị từng mặt hàng và giúp những người phụ nữ khác trong xã có thêm thu nhập từ nghề thổ cẩm truyền thống” - Chị Xía chia sẻ. Nghĩ là làm, chị thuyết phục một số chị em trong xã cùng tham gia giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống. Chị đi tiên phong trồng lanh, dạy chị em kỹ thuật dệt vải, phác thảo họa tiết hoa văn, vẽ sáp ong trên vải lanh, thêu hoa văn truyền thống.

Trang phục của người Mông gây ấn tượng mạnh với mọi người bởi nghệ thuật tạo hình độc đáo trên vải qua sự kết hợp nhuần nhuyễn ba kỹ thuật: Thêu, vẽ sáp ong và chắp vải. Trong đó, khó nhất là tạo hình bằng sáp ong.

“Nhiều người biết thêu và đắp vải, nhưng kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong thì gần như biến mất cả chục năm nay rồi. Tôi phải trực tiếp hướng dẫn chị em vẽ sáp ong. Đầu tiên phải cho sáp ong vào bát sứ rồi đun nóng cho sáp chảy ra, sau đó lấy bút tre chấm sáp rồi vẽ lên vải thành những hình hoa văn theo ý muốn. Vẽ xong cần để tấm vải ở nơi khô ráo, đợi cho sáp đông lại mới đem những tấm vải ấy nhuộm chàm để tạo màu. Tùy theo ý muốn màu chàm đậm hay nhạt mà pha nước chàm để ngâm. Quá trình nhuộm chàm thường kéo dài khoảng 1 tháng mới hoàn thành. Sau đó, vải được ngâm qua nước sôi cho đến khi lớp sáp ong tự bong ra. Khi ấy, nét hoa văn lộ ra chính là nét của sáp ong được vẽ lên tấm lanh mà khi nhuộm chàm không thấm vào chỗ sáp đó. Điểm đặc biệt là hoa văn chỉ có duy nhất một màu trắng” - Chị Xía mô tả chi tiết cho tôi thấy sự công phu trong từng sản phẩm thổ cẩm của người Mông.

48ms_13b
Các sản phẩm có họa tiết ấn tượng của chị Xía được khách nước ngoài rất ưa dùng. Ảnh: Bích Nguyên

Từ những sản phẩm rất đơn giản như túi, ví rồi đến váy, áo, chị Xía làm thêm nhiều sản phẩm handmade khác thích ứng với nhu cầu thị trường như: Tranh treo tường, vỏ gối, vỏ chăn, khăn quàng cổ, túi khoác, ba lô.... Với óc nhạy bén, không chỉ tiêu thụ sản phẩm ở các điểm du lịch, chị Xía còn tận dụng tối đa mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Chị mạnh dạn thành lập Công ty TNHH vẽ sáp ong, sử dụng các công cụ marketing online để tạo kết nối, tìm kiếm kênh phân phối rộng hơn và đã thu được những thành công bước đầu.

Năm 2018, chị Xía viết ý tưởng “Khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm Hòa Bình” tham dự cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4. Dự án của chị đã lọt vào vòng chung kết hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai rộng hơn không chỉ cho chị Xía, mà còn cho cả những người phụ nữ dân tộc Mông quê chị và cả tương lai của thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO