Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Biên phòng - Nghị quyết 21-NQ/TW đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH, BHYT). Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông để đạt được các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết luôn được quan tâm hàng đầu.

Nhìn lại 5 năm vừa qua, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, công tác truyền thông luôn được chú trọng; thể hiện rõ trong Luật BHXH 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trách nhiệm thực hiện của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố được quy định cụ thể. Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 nêu rõ: Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên... và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia...

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, cả nước đã tổ chức gần 11.000 hội nghị, hội thi, đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng tại cơ sở; riêng trong 3 năm 2015-2017, tổ chức gần 10.000 cuộc. Trong đó có 1.500 hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và trang bị kiến thức về BHXH, BHYT; 7.500 cuộc đối thoại, tọa đàm, có nội dung tìm hiểu về Nghị quyết số 21-NQ/TW và tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT với đông đảo chủ sử dụng lao động, người lao động, cán bộ phụ trách công tác BHXH, BHYT trong các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên; 222 hội thi tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nông dân, công nhân lao động và học sinh, sinh viên, hội thi tuyên truyền viên tìm hiểu nghiệp vụ trong ngành...

Từ năm 2013-2017, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan báo đài thực hiện đăng tải, phát sóng khoảng trên 13.000 phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục, đối thoại trực tiếp và các tin bài về chính sách BHYT. Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT tổ chức năm 2015-2016 thu hút 1.200 tác phẩm từ 131 cơ quan báo chí, đơn vị.

Trong giai đoạn từ 2013 - 2017, BHXH Việt Nam biên tập, phát hành trên 45 triệu bản ấn phẩm các loại (tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp, sổ tay, lịch, băng, đĩa CD) tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng như chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

BHXH các tỉnh, thành phố hiện cũng đang triển khai mạnh mẽ truyền thông BHXH, BHYT xuống tận cơ sở, tác động trực tiếp tới công nhân, người lao động, người dân với sự phối hợp từ các ngành, đoàn thể. Hiệu quả của truyền thông bước đầu được thể hiện qua những con số phát triển số tham gia BHXH, BHYT trong giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đạt trên 85% dân số cả nước; số tham gia BHXH đạt trên 24% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn những con số thống kê vừa nêu ở trên, có thể thấy được công tác truyền thông BHXH, BHYT đang đặt ra những đòi hỏi mới, cần sự tích cực hơn, chủ động hơn từ các cấp ủy, chính quyền ở cả trung ương và địa phương. Từ năm 2013 trở lại đây, thông tin về BHXH, BHYT xuất hiện với mật độ ngày một dày hơn; thực tế có lẽ không chỉ dừng lại ở những con số thống kê.

Có thể dễ dàng điểm lại một số sự vụ liên quan nhiều đến BHXH, BHYT được báo chí truyền thông, dư luận đặc biệt quan tâm trong các năm vừa qua. Điển hình nhất trong năm 2013 là vụ việc nhân bản xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức xảy ra đúng thời điểm Quốc hội triển khai giám sát thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012; liên quan đến BHXH một lần với vụ đình công của công nhân công ty PouYuen, tại TP Hồ Chí Minh, thu BHYT học sinh, sinh viên theo năm tài chính năm 2015; các vấn đề như: thông tuyến khám, chữa bệnh, bội chi Quỹ BHYT, liên quan đến quản lý Quỹ BHXH, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay những băn khoăn khi so sánh việc tham gia BHXH và gửi tiền tiết kiệm…trong năm 2016.

Ngay như trong năm 2017, vấn đề quản lý quỹ khám, chữa bệnh tiếp tục được công chúng theo dõi chặt chẽ cùng với đó là thông tin về tiền lương đóng BHXH, mức hưởng lương hưu của lao động nữ sẽ được thực hiện từ năm 2018… Gần đây hơn là vụ việc liên quan đến lương hưu của cô giáo mầm non Trương Thị Lan tại Hà Tĩnh được phản ánh nhiều trên báo chí và tác động không nhỏ đến kỳ họp của Quốc hội đang diễn ra cùng thời điểm.

Số liệu thống kê của cơ quan BHXH cũng cho thấy rõ báo chí ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về BHXH, BHYT. Cụ thể, năm 2013 mới chỉ có khoảng 280 tin, bài, phóng sự,…thì đến năm 2016 đã là 4.500 tin, bài, phóng sự, năm 2017 ước thực hiện khoảng 5.000 tin, bài, phóng sự …

Từ thực tế trên có thể thấy: dư luận xã hội, người dân ngày càng quan tâm nhiều đến BHXH, BHYT với những quyền lợi sát sườn, từ khám, chữa bệnh BHYT, mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH... ; đa số nhận thức rõ hơn về vai trò thiết yếu của BHXH, BHYT trong cuộc sống hàng ngày. Đáp ứng nhu cầu này, các cơ quan truyền thông đại chúng tập trung phản ánh nhiều thông tin về BHXH, BHYT là điều dễ hiểu. Đây là điều tích cực, song cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác truyền thông BHXH, BHYT. Theo đó, phải chủ động hơn nữa để cung cấp thông tin đến người dân, bằng nhiều kênh khác nhau, giúp cộng đồng hiểu đúng, đủ bản chất nhân văn của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ việc được dư luận quan tâm chú ý, khi các chủ thể truyền thông chưa chủ động cung cấp thông tin một cách chính thức, thường dễ xuất hiện các nguồn thông tin khác nhau, thiếu tính chính xác, không phản ánh đúng, đủ bản chất vấn đề. Nguy hại hơn, những thông tin này thường lan truyền rất nhanh, mạnh trên mạng xã hội, khiến người dân dễ nhận thức sai lệch chính sách, pháp luật của nhà nước, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ví dụ dễ thấy nhất là việc so sánh tham gia BHXH và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhưng không đúng bản chất vấn đề, khiến dư luận băn khoăn, hoài nghi về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, chủ động cung cấp thông tin không chỉ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn có tác dụng ngăn chặn các luồng thông tin tiêu cực, thông tin sai, không đúng, đủ bản chất.

Các vụ việc, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn khi cơ quan BHXH tiếp tục quá trình triển khai áp dụng các quy định mới của Luật, trước mắt là từ những quy định có hiệu lực từ năm 2018. Nhìn lại bài học từ việc thực hiện kê khai, lập danh sách tham gia BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh sinh viên, BHXH một lần … giai đoạn qua cho thấy rõ: công tác truyền thông phải đi trước một bước để người dân các đơn vị doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các quy định mới, tạo sự đồng bộ, trong quá trình thực hiện, tránh để xuất hiện các luồng thông tin không chính thống, gây nên tác động tiêu cực.

Đây là điều không dễ, trong bối cảnh các kênh, hình thức truyền thông về BHXH, BHYT chưa được đổi mới một cách mạnh mẽ, trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển, nguy cơ xuất hiện và lan truyền luồng thông tin sai là rất lớn và rất khó ngăn chặn, kiểm soát khi không có sự chủ động ngay từ ban đầu.  

Bên cạnh đó, từ kết quả phát triển mở rộng bao phủ BHXH, BHYT thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu với công tác truyền thông. Với BHYT, hiện đã đạt trên 85%, tuy nhiên tiếp tục mở rộng diện bao phủ ở nhóm còn lại là một thách thức rất lớn. Ngay cả với một số tỉnh, thành phố khi đã đạt được tỷ lệ bao phủ cao, tính bền vững cũng là một vấn đề đáng lo; người dân có tiếp tục tham gia BHYT dài hạn hay không là một câu hỏi khó, nhất là với nhóm đang được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng.

Phát triển BHXH đang đặt ra nhiều vấn đề; tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc hiện ở mức khá hạn chế so với mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện càng khó phát triển hơn, dù năm 2018 sẽ thực hiện quy định hỗ trợ người dân tham gia nhưng khó có thể đòi hỏi có sự phát triển đột biến. Ở góc nhìn xa hơn, thị trường lao động nước ta đang có xu hướng phát triển mới trước ảnh hưởng của công nghệ cao. Lao động trẻ có xu hướng làm việc tự do, thời vụ, bán thời gian (partime), làm việc trực tuyến (online) - tức là không ký hợp đồng lao động, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Ví dụ dễ hình dung nhất là từ câu chuyện phát triển của taxi Uber, Grab – người lao động, lái xe thỏa thuận và hưởng tiền công không cần ký hợp đồng lao động; khác hoàn toàn với lái xe taxi theo hình thức truyền thống - có tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0, chắc chắn sẽ có nhiều mô hình kiểu Uber, Grab ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Thực tế như vừa nêu ở cả BHXH và BHYT, đòi hỏi người dân phải nhận thức rõ và chủ động tham gia BHXH, BHYT nhằm mục đích tự bảo vệ an sinh cho bản thân trong tương lai. Và để nâng cao nhận thức, truyền thông phải tác động mạnh mẽ hơn. 

Trước những yêu cầu, thách thức mới, theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW - tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT, ngày 24/8/2017, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Nghị quyết 96-NQ/BCS về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới. Nghị quyết đưa ra đánh giá tương đối toàn diện, đầy đủ thực trạng công tác truyền thông BHXH, BHYT hiện nay, chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, quán triệt quan điểm, mục tiêu truyền thông BHXH, BHYT; trong đó xác định: công tác truyền thông là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng và thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành.

Hiện toàn Ngành BHXH đã và đang tổ chức quán triệt và triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 96-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam; bước đầu lan toả, tạo nguồn lực cho công tác truyền thông BHXH, BHYT trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng, truyền thông là một quá trình thông tin thường xuyên, liên tục; do đó cơ quan BHXH với vai trò tổ chức thực hiện phải phát huy tính chủ động mọi lúc mọi nơi, đa dạng hình thức truyền thông theo yêu cầu linh hoạt ở từng thời điểm, với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Các nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 96-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng thực tế cũng phải triển khai, kiên trì thực hiện trong cả một quá trình dài; từ việc nâng cao nhận thức, đến kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực trình độ cán bộ truyền thông và nhất là nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của cán bộ, nhân dân…

Trong suốt quá trình đó, cơ quan BHXH ngoài việc tự thân nỗ lực cố gắng còn phải đóng vai trò là hạt nhân, phát huy vai trò tham mưu với các cấp uỷ, chính quyền tạo sự chỉ đạo mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc từ các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Đây cũng là một nội dung không kém phần quan trọng trong công tác truyền thông. Phải truyền thông để các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành đoàn thể, nhận thức rõ hơn nữa vai trò trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống An sinh xã hội, qua đó tham gia, tạo sự lan toả tích cực hơn trong chỉ đạo thực hiện nói chung và truyền thông BHXH, BHYT nói riêng đến từng người dân một cách mạnh mẽ hơn.

B.P

Bình luận

ZALO