Biên phòng - Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 được tổ chức với chủ đề “Hành trình của hy vọng” - Hành trình của sự lắng nghe, sự giúp đỡ, sự chia sẻ yêu thương, tự lực vươn lên.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chương trình muốn chuyển một thông điệp đến nhân dân cả nước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng những chủ trương, chính sách để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện các mục tiêu hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2000, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là Ngày vì người nghèo. Phát huy truyền thống đạo lý “tương thân, tương ái” của dân tộc, những năm qua, MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên đã động viên đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo" và có nhiều hoạt động thiết thực giúp người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Lũy kế từ năm 2000 đến nay, MTTQ các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 78.983 tỷ đồng, trong đó, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 19.432 tỷ đồng; các chương trình an sinh xã hội trên 59.551 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, MTTQ các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.680.231 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh; hàng triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; phát triển sản xuất; xây dựng hàng chục nghìn công trình dân sinh.
Các tổ chức quốc tế đánh giá, thành công lớn nhất của chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” là đã kết nối được tấm lòng, sự sẻ chia của những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho người nghèo, các vùng khó khăn, những địa phương thường xuyên bị hứng chịu bão lũ... chứ không dừng lại ở số tiền và kinh phí vận động được.
Từ nguồn lực vận động được, MTTQ Việt Nam đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Qua đó, đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng về xóa đói giảm nghèo được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Điển hình như hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình khó khăn để họ có điều kiện làm ăn, phát triển sản xuất; phát huy được sức lao động, nội lực để họ vươn lên, đáp ứng được mục tiêu thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, MTTQ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ nghèo vay không lãi suất, có vốn sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng các dự án để hướng dẫn các mô hình thoát nghèo bền vững. Hiện nay, 61 mô hình đã được triển khai ở 35 tỉnh, thành phố. Mỗi mô hình sẽ hướng dẫn từ 20 cho đến 40 - 50 hộ gia đình cách thức làm ăn để thoát nghèo bền vững. Điều đó cho thấy hỗ trợ cho họ cách thức làm ăn, tạo điều kiện để họ làm ăn mới là căn cơ, cốt lõi của chương trình giảm nghèo.
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Nhưng cả nước vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 9% số hộ dân trong cả nước; vẫn còn nhiều người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn thiếu thốn.
Do đó, xóa đói giảm nghèo là vấn đề của toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự chung tay của toàn xã hội để người nghèo có cơ hội để vươn lên thoát nghèo, làm chủ chính cuộc sống của mình, cùng nhau hướng về một tương lai với cuộc sống tốt đẹp hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hoàng Lâm