Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Kết nghĩa xóm - bản hai bên biên giới, gắn kết tình hữu nghị

Biên phòng - Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giới dài hơn 333km, có 634 mốc, 3 cặp cửa khẩu chính, 3 cặp cửa khẩu phụ và 1 lối mở, giáp với Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thực hiện chủ trương đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước và Bộ Tư lệnh BĐBP, những năm qua, BĐBP Cao Bằng đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện mô hình kết nghĩa khu dân cư hai bên biên giới một cách thiết thực, hiệu quả, qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

5aefacea22f7c70ed4001fd4
Lễ ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa xóm Lũng Om, xã Đại Sơn, Phục Hòa, Cao Bằng và xóm Nà Cọn, thị trấn Thủy Khẩu, Long Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Việt Hoàng

Xóm Lũng Om, thuộc xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng và xóm Nà Cọn, thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc được chọn làm điểm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng. Hai xóm có chung đường biên giới là dòng sông Bắc Vọng. 3 năm nay, kể từ ngày ký thỏa thuận kết nghĩa xóm hữu nghị, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nơi đây ngày càng được cải thiện.

Mối quan hệ giữa nhân dân hai xóm có sự chuyển biến tích cực, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ, thân tình, sâu sắc hơn. Không những cư dân hai xóm thường xuyên giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mà còn giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, phối hợp hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo, hướng tới mục tiêu chung xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững...

Hằng năm, nhân dân hai xóm thường tổ chức gặp gỡ, giao lưu và trao đổi tình hình. Sau mỗi buổi giao lưu, một bữa cơm chung giữa đại diện cư dân hai xóm càng làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau. Anh Phan Văn Bằng, Trưởng xóm Lũng Om là người làm trưởng đoàn trong lễ ký kết nghĩa giữa hai xóm 3 năm trước nhớ lại, việc kết nghĩa giữa hai xóm Lũng Om và Nà Cọn nhận được sự đồng tình rất lớn từ nhân dân hai bên biên giới.

Ngay trong buổi lễ ký kết, nhân dân hai xóm đã tổ chức văn nghệ biểu diễn các làn điệu đặc sắc của dân tộc mình, ca ngợi tình hữu nghị Việt - Trung, tình yêu quê hương rất vui vẻ và ấm cúng. “Chúng tôi cùng thống nhất, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương, đồng thời, giữ gìn và phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa cư dân hai bên biên giới vốn có từ bao đời nay. Sau khi ký kết, các nội dung trong bản cam kết được chính quyền và nhân dân hai xóm thực hiện rất tốt” - Anh Bằng nhấn mạnh.

Từ mô hình điểm kết nghĩa giữa xóm Lũng Om và xóm Nà Cọn, đến nay, mô hình kết nghĩa đã nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Cao Bằng, trong đó, 1 cặp huyện, 1 cặp thị trấn ký kết nghĩa là: Huyện Phục Hòa (Cao Bằng) và huyện Long Châu, (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc); thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) và trấn Long Bang, huyện Tịnh Tây (tỉnh Quảng Tây); 5 cặp kết nghĩa cấp xóm - bản.

Ông Nông Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch huyện Trà Lĩnh chia sẻ, năm 2016 trấn Long Bang, thành phố Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc và UBND thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng tổ chức “Lễ kết nghĩa thị trấn - trấn hữu nghị” và tiến hành ký kết Ý định thư phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương. Đây là việc làm phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới. Nhân dân hai bên biên giới của huyện Trà Lĩnh và trấn Long Bang vốn có quan hệ thân tộc lâu đời, sống hài hòa bên đường biên.

Việc hai chính quyền ký kết kết nghĩa đã làm cho mối quan hệ đó càng thêm khăng khít. Cứ mỗi dịp lễ Tết, chính quyền hai bên lại tổ chức gặp mặt và giao lưu thể thao, văn nghệ trong tình hữu nghị. Đạt được kết quả trên, là nhờ sự tham mưu của BĐBP với cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động và giáo dục cho nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương.

Việc kết nghĩa tại các cụm dân cư khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) - tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) được xây dựng trên nền tảng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai địa phương. Trước đó, hai tỉnh đã tích cực hợp tác triển khai thực hiện Nghị định thư về phân giới cắm mốc trên đất liền và các văn kiện pháp lý về biên giới, hợp tác giải quyết tốt các công việc sau phân giới cắm mốc.

Nổi bật trong hoạt động hợp tác là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan, lực lượng chức năng hai nước trong phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp giao thông tại các cặp cửa khẩu, cặp chợ biên giới; hợp tác tuần tra song phương xác định đường biên giới tại các khu vực khó nhận biết, xây dựng kè bảo vệ sông, suối biên giới...

Đại tá Bùi Văn Nhị, Chính ủy BĐBP Cao Bằng cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP về tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, BĐBP Cao Bằng đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch và đề ra nội dung, biện pháp tổ chức kết nghĩa, đồng thời, phối hợp với các ngành, các đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện.

Mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới tại Cao Bằng là nhằm cụ thể hóa chủ trương đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước. Việc ký kết các văn bản kết nghĩa hai bên biên giới là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao giữa lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây, khẳng định được vị trí, vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hoạt động giao lưu bản - bản giữa hai bên biên giới bước đầu thu được những kết quả tích cực. Sau khi tổ chức ký kết nghĩa, các cụm dân cư hai bên biên giới đã tự giác chấp hành nghiêm các nội dung thỏa thuận kết nghĩa. Hai bên tăng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, giữ vững truyền thống hữu nghị giữa hai địa phương. Đồng thời, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới chung giữa hai nước, phối hợp tốt trong quản lý, bảo vệ đường biên và giữ gìn hệ thống mốc quốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Sau khi kết nghĩa, chính quyền hai bên đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về nội dung 3 văn kiện pháp lý về biên giới. Do vậy, từ khi kết nghĩa đến nay, nhân dân hai bên biên giới không xảy ra vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Khi phát hiện các hiện tượng bất thường liên quan đến đường biên, cột mốc, nhân dân đều chủ động báo cho lực lượng chức năng hai bên để giải quyết kịp thời.

Hiện, BĐBP Cao Bằng đang tích cực chỉ đạo các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tiếp tục khảo sát và tìm hiểu để đặt vấn đề kết nghĩa thêm các cụm dân cư trong thời gian tới.

Hà Phương

Bình luận

ZALO