Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn cụ thể

Biên phòng - Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 747-CT/QUTW, ngày 23-7-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội, Đại hội các cấp trong BĐBP đã tiến hành nghiêm túc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, nội dung kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh được đa số các tổ chức đảng và đảng viên quan tâm góp ý.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, BĐBP Điện Biên hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng lúa hai vụ. Ảnh: CTV

Đến nay, đã có 2.709 tổ chức Đảng toàn lực lượng với 4.895 lượt đảng viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó, có 1.245 ý kiến của đảng viên thuộc các đảng bộ trực thuộc; 3.650 ý kiến của đảng viên thuộc đảng bộ BĐBP tỉnh, thành phố. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 có 5 ý kiến phát biểu trực tiếp, 7 ý kiến tham gia bằng văn bản gửi cho Đoàn Chủ tịch Đại hội tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Các ý kiến tham gia thảo luận đều có sự đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị kỹ; chất lượng các ý kiến tốt, bảo đảm tập trung, có phân tích lập luận chặt chẽ và bám sát vào nội dung trọng tâm theo hướng dẫn và gợi ý được nêu trong dự thảo các văn kiện.

Các ý kiến tham gia thảo luận đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tập trung nhấn mạnh, làm rõ, chứng minh các nội dung được trình bày trong dự thảo các văn kiện là phù hợp và cần thiết, thể hiện sự đánh giá khách quan, chính xác về kết quả đạt được; dự báo, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới cụ thể, rõ ràng; có sự kế thừa, bổ sung phát triển tư duy lý luận mới của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Đồng thời các ý kiến tham gia đã đề cập đầy đủ về các vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó, nhiều ý kiến tập trung đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề xuất, hiến kế giải pháp với Đảng thời gian tới có những chủ trương, chính sách phù hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (gọi tắt là Dự thảo báo cáo chính trị) khẳng định: “Đã kết hợp có hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Bên cạnh đó, Dự thảo báo cáo chính trị đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”.

Góp ý về những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng ủy BĐBP Quảng Nam nêu: Một số ý kiến đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân tại sao việc kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường biển ở một số địa phương, vùng chưa đồng bộ.

Có cùng quan điểm này, tham luận của đồng chí Nguyễn Xuân Toàn, Bí thư Đảng ủy Trường Trung cấp Biên phòng 2 cho rằng: Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế về mục tiêu, nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh chưa đầy đủ, sâu sắc; còn biểu hiện chủ quan, thiếu cảnh giác, nặng về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhẹ về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...

Nội dung quốc phòng, an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng; triển khai thực hiện và kết hợp nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biên giới, biển đảo.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp; nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới với cả thời cơ và thách thức đan xen; sự phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước nhiều cơ hội, song cũng phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trở thành một vấn đề mang tính chiến lược, cấp thiết. Do đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như Dự thảo báo cáo chính trị đã chỉ ra, báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của Đảng ủy BĐBP Hà Tĩnh nêu rõ: Đảng, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể về vấn đề kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, từng khu vực cụ thể, tăng cường công tác đối ngoại nhằm xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, không vì phát triển kinh tế mà lơ là, không đánh giá hết những nguy cơ tiềm ẩn tới an ninh quốc gia.

Đặc biệt, phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở những địa bàn chiến lược. Trong quá trình đầu tư các dự án kinh tế, nhất là địa bàn biên giới, địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, trước khi đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần phải tranh thủ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.

Có cùng quan điểm trên, báo cáo của Đảng ủy Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho rằng: Tình hình hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra phải giải quyết, đòi hỏi nước ta phải phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ điều kiện quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH, bảo đảm ngày càng tốt hơn cho việc củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, từ đó, tạo tiền đề, điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới.

Anh Nguyên

Bình luận

ZALO