Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 10:29 GMT+7

Kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Ngày 27-7, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về các chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm qua, lực lượng BĐBP đã tích cực tham gia cùng địa phương biên giới xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Viết Hà

Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu đánh giá, các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, có thể kể đến như tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; vùng DTTS tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Một bộ phận các hộ đã thoát nghèo, nhưng ở những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ cao tái nghèo.

Theo các đại biểu, dân số miền núi, vùng đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số của cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 57,1% số hộ nghèo cả nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do khu vực miền núi, vùng DTTS có địa hình đồi núi chia cắt, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế; trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng nhân lực thấp… Từ thực trạng trên, các đại biểu thống nhất cao việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Nhưng đối với vùng đồng bào DTTS cần có cơ chế đặc thù, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội ̣vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030).

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), các xã vùng DTTS, miền núi cùng là đối tượng thụ hưởng của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng khi triển khai 3 chương trình này theo 3 “pha” khác nhau tại một địa phương đã tạo ra sự chồng chéo, không đồng bộ, dễ thất thoát và khó kiểm soát, thậm chí hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi thì nên lồng ghép thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tập trung các nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư trung hạn và dài hạn để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi.

Để thực hiện thành công, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đưa ra giải pháp, ở Trung ương giao cho Ủy ban Dân tộc làm đầu mối, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện; ở địa phương thì do HĐND và UBND tỉnh quyết định phân bổ kế hoạch lồng ghép vốn cho từng xã. Cấp huyện thì trực tiếp giúp các xã về mặt chuyên môn quản lý dự án, cấp xã trực tiếp là chủ đầu tư và thực hiện dự án, có sự tham gia giám sát của cộng đồng, của MTTQ và người dân.

Đối với các xã biên giới, giao cho BĐBP cùng tham gia với địa phương thực hiện dự án. Đối với 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, vùng ven biển và hải đảo, Chính phủ cũng có thể lồng ghép 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng; trong đó BĐBP trực tiếp cùng địa phương tổ chức thực hiện các dự án.

Bên cạnh những giải pháp trong thực hiện hiệu các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp cụ thể giải quyết những điểm “nghẽn” giúp đồng bào DTTS, miền núi phát triển bền vững. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu giải pháp, để giảm nghèo bền vững cho đồng bào cần tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS vùng nghèo, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện.

Đồng thời, tăng mức hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời hạn vay vốn đối với lãi suất cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo, y tế, nâng cao dân trí, nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kết nối giao thông, kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư tạo việc làm bền vững cho đồng bào…

Viết Hà

Bình luận

ZALO