Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 11:37 GMT+7

Kết hợp bảo vệ chủ quyền với bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí trên biển

Biên phòng - Cụm công nghiệp Khí - điện - đạm Cà Mau đóng góp ngân sách tại địa phương trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40 - 50% “hầu bao” của tỉnh Cà Mau. Đây là công trình quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia nói chung và phát triển kinh tế tại địa phương nói riêng. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển, trong đó có công trình khí PM3-Cà Mau.

n2b8_15
Cán bộ Hải đội 2, BĐBP Cà Mau trao đổi kế hoạch tuần tra bảo vệ công trình khí Cà Mau. Ảnh: Lê Khoa

Vùng biển Cà Mau có nguồn thủy hải sản phong phú, đa dạng, hằng ngày có trên 10 ngàn tàu thuyền của ngư dân Cà Mau và các tỉnh lân cận về hoạt động đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, tàu thuyền của các nước thường qua lại trên các vùng có đường hàng hải quốc tế đi qua. Vì vậy, rủi ro gây mất an toàn cho công trình đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau phần ngầm dưới biển là rất cao. Để công trình khí vận hành đạt hiệu suất theo kế hoạch thì công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối phải được đặt lên hàng đầu.

Trên cơ sở thực hiện Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP, Công ty Khí Cà Mau và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre đã triển khai và thực hiện có hiệu quả nội dung này. Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau chỉ đạo Hải đội Biên phòng 2, Đồn Biên phòng Sông Đốc tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp Công ty Khí Cà Mau tổ chức tuần tra bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí và bảo vệ chủ quyền an ninh, vùng biển.

Từ năm 2013 đến nay, 2 đơn vị tổ chức tuần tra chung được 60 đợt có 720 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đã phát hiện 26 tàu đánh bắt thủy sản neo đậu trong hành lang an toàn dầu khí. Đồng thời, hai đơn vị tiến hành tuyên truyền, giáo dục, dán tờ rơi hướng dẫn cài tọa độ cần tránh cho 124 tàu và đề nghị các chủ tàu viết cam kết không vi phạm.

Ông Nguyễn Phúc Tuệ, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau cho biết: Công ty đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn hiểu sâu về Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Dầu khí và nghị định của Chính phủ liên quan tới các hoạt động dầu khí và các công trình dầu khí.

Ngoài ra, Công ty Khí Cà Mau còn thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh để lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí trên biển vào nội dung tập huấn phòng chống lụt bão, đăng ký, đăng kiểm phương tiện và các lớp đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các phương tiện thả neo, đánh bắt hải sản, trục vớt trong hành lang an toàn đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau. Công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 179 lớp tập huấn cho 11.273 lượt người tham dự để tuyên truyền các nội dung kể trên.

Công ty Khí Cà Mau còn phối hợp với các trạm kiểm soát Biên phòng các tỉnh hướng dẫn trên 20 ngàn lượt thuyền trưởng cài tọa độ đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau vào máy định vị và cấp phát được 60.034 tờ rơi có sơ đồ đường ống dẫn khí để dán lên ca-bin tàu cá, giúp ngư dân hoạt động trên biển nhận biết khu vực có công trình khí.

Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện các quy chế, kế hoạch giữa Công ty Khí Cà Mau với BĐBP các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn công trình khí trên biển và an ninh, trật tự khu vực biên giới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty vận hành an toàn công trình khí PM13-Cà Mau, giúp ngành công nghiệp khí từng bước phát triển bền vững...

Lê Khoa

Bình luận

ZALO