Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Kéo giảm tai nạn giao thông phải đi đúng vào thực chất

Biên phòng - Trung bình mỗi ngày qua đi có 20 người không bao giờ trở về nhà do tai nạn giao thông (TNGT). Điều đáng nói, phần lớn nạn nhân trong các vụ TNGT đều là trụ cột, là niềm hy vọng của mỗi gia đình nên nỗi đau TNGT sẽ đeo đẳng, đày đọa nhiều kiếp người, kìm hãm sự phát triển của đất nước và dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ trong “cuộc chiến” kéo giảm TNGT với mục tiêu ngày càng đi sâu vào thực chất.

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh sẽ góp phần hạn chế hiểm họa tai nạn giao thông. Ảnh: Minh họa

Giảm thiệt hại lớn cho quốc gia

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TNGT khiến nền kinh tế Việt Nam thiệt hại khoảng 2,5% GDP. Trong khi đó, thống kê vào tháng 11 của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chỉ ra rằng, tỷ lệ nạn nhân TNGT, chấn thương sọ não là nam giới chiếm tới 70%. Độ tuổi của các nạn nhân từ 20 đến 50 chiếm tới 68%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá, Bệnh viện Việt Đức là tuyến cuối ngoại khoa điều trị và cấp cứu các tai nạn thương tích, đặc biệt là TNGT. Vì vậy, các ca nhập viện Việt Đức thường ở tình trạng rất nặng. Trong khi TNGT đã giảm mạnh trên toàn quốc, lượng bệnh nhân TNGT ở các bệnh viện cũng giảm theo nhưng tại Bệnh viện Việt Đức thì không giảm.

“Điều đáng tiếc nhất theo ghi nhân tại Bệnh viện Việt Đức là những ca nhập viện đều gặp nạn ở tình huống có thể tránh được như lái xe không đội mũ bảo hiểm dẫn tới chấn thương sọ não; nồng độ cồn trong máu cao... Tỷ lệ bệnh nhân chấn thương sọ não chiếm tới 48%, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện có nồng độ cồn cao chiếm 17,5%, đây là những con số biết nói” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ bày tỏ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, thực trạng nạn nhân TNGT hiện nay chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 đến 55, chiếm gần 70%, trong đó, nhóm dưới 27 tuổi chiếm khoảng 35%. Đây được xem là yếu tố hàng đầu khiến TNGT gây nên thiệt hại rất lớn cho đất nước bởi số lượng nạn nhân TNGT phần lớn ở độ tuổi lao động chính của xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình.

Đi đúng vào thực chất

Dù TNGT vẫn từng ngày “gieo rắc” nỗi đau trong xã hội, nhưng hiệu quả thực tế kéo giảm TNGT trong những năm gần đây là một thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hội nghị toàn cầu các Bộ trưởng lần đầu tiên về ATGT tại Nga năm 2009 đánh giá, việc thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất về ATGT của thế giới. Kể từ đó đến nay, TNGT liên tục được kéo giảm vượt bậc với nhiều bước đột phá và kỷ lục mới được thiết lập qua từng năm. Trong năm 2010, toàn quốc có trên 11.000 người tử vong do TNGT thì đến hết năm 2019, con số này chỉ còn dưới 8.000 người. Mức độ thiệt hại về nhân mạng trong các vụ TNGT cũng được kéo giảm theo đó.

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đánh giá, trong thập kỷ hành động vì ATGT (từ năm 2011 đến năm 2020), Việt Nam đã đạt thành quả to lớn về đảm bảo trật tự, ATGT và đặc biệt kéo giảm TNGT. Trước sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Việt Nam trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, thành tựu của Việt Nam đã minh chứng rõ nét về cách tiếp cận đa ngành và rất thành công. Sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và các cơ quan cấp quốc gia, đại diện 63 tỉnh, thành phố là yếu tố tạo nên bước tiến vượt bậc trong những năm qua.

Lý giải về hiệu quả trong kéo giảm TNGT, ông Khuất Việt Hùng cho biết, số người chết do TNGT năm 2019 bằng con số của năm 2000, trong khi số lượng phương tiện tăng 9 lần trong gần 20 năm qua. Thông thường, khi lượng phương tiện và mật độ giao thông gia tăng thì tỷ lệ tai nạn cũng gia tăng, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tiếp nối kỳ tích năm 2019, từ đầu năm đến nay, TNGT tiếp tục thiết lập nhiều kỷ lục giảm mới đối với cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương từ 10 đến 20%, trong khi mục tiêu đề ra của năm chỉ là từ 5 đến 10%.

Đặc biệt, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì sự chung tay của toàn xã hội đã giúp công tác đảm bảo trật tự, ATGT có được sức mạnh to lớn góp phần kéo giảm TNGT. Mới đây nhất, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 thì người dân cả nước đã hưởng ứng mãnh liệt và trở thành một trong những vấn đề thời sự được quan tâm nhất trong những tháng đầu năm 2020.

Một trong những công cụ quan trọng để truyền tải những thông điệp thực chất về ATGT, đó là Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ” tại Việt Nam và bền bỉ triển khai suốt 9 năm qua. Với thông điệp xuyên suốt là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và “Tính mạng con người là trên hết”, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT là dịp để người dân tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời do TNGT để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với thân nhân của họ. Từ đó, cảnh tỉnh bản thân trước hiểm họa TNGT, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, từ đầu năm 2020 đến nay, TNGT giảm sâu và toàn diện vượt mức kỳ vọng là nhờ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Kế hoạch Năm ATGT: “Đã uống rượu bia - Không lái xe” đã được đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, sự cương quyết trong thực thi pháp luật của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để giảm thiểu được TNGT thì chủ yếu phải dựa vào nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Nếu người dân chỉ đơn thuần là chấp hành quy định pháp luật mà không thực sự hiểu về hiểm họa TNGT thì sự tự giác đó chỉ mang tính đối phó.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO