Biên phòng - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-10.

Theo báo cáo, năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả toàn diện. Nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, tiếp tục xuất siêu gần 5,4 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt 3% dự toán, cơ cấu thu bền vững, tỉ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm. Thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016-2020 (25-26%). Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP.
Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác người có công với cách mạng, hỗ trợ cho trên 178.000 hộ theo Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Tập trung thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội; huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2-5,7%, giảm 1-1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%). Nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định và cải thiện đời sống.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục đại học, đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và đưa ra các giải pháp như, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn và đẩy mạnh hơn nữa đổi mới tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản...
Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đi đôi với chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, tích cực hội nhập quốc tế...
Phương Thảo