Biên phòng - Ngày 8-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp tổ chức hội thảo “Phổ biến báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam”. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Văn phòng UNFPA tại Việt Nam.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở Việt Nam và đưa ra định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thời gian qua, công tác Dân số-KHHGĐ của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tốt đẹp với việc đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Dịch vụ Dân số - KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được phát triển rộng khắp, gần dân; hầu hết nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân được cung cấp tại Trạm Y tế xã hoặc tại nhà.
Đặc biệt, tại các thôn, bản khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, thì các dịch vụ KHHGĐ được cung cấp nhờ mô hình “Cô đỡ thôn bản”. Ngoài ra, các dịch vụ KHHGĐ trước đây chỉ được cung cấp tại cơ sở y tế công từ tuyến huyện trở lên, nay đã được thực hiện tại các Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế tư nhân. Kế hoạch hóa gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tổng tỉ suất sinh giảm, mỗi cặp vợ chồng có 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2,09 con tại thời điểm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm, từ 233/100.000 vào những năm 1990, xuống 69/100.000 năm 2009, giảm xuống 58/100.000 năm 2016.
Các phương pháp tránh thai ngày càng đa dạng, thuận tiện, an toàn phù hợp với nhu cầu, phong tục, tập quán của người dân. Tỷ lệ cặp vợ chồng được bảo vệ bằng các biện pháp tránh thai tăng nhanh từ 53,7% năm 1993 lên 77,6% năm 2016. Trong đó tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 66,5%. Tuy nhiên hiện vẫn còn những vấn đề cần cải thiện như chất lượng dịch vụ, tỉ lệ sử dụng không liên tục và tỉ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai…
Bà Astrid Bant cho biết: “Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình chính là một trong những cách thức đầu tư trong việc đạt được các “Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới vào năm 2030” mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam để mọi người tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Thùy Trang