Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 03:01 GMT+7

Kẽ hở từ đâu?

Biên phòng - Ngày 18-9, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Công ty Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến dư luận nức lòng và kỳ vọng pháp luật sẽ xử lý nghiêm những kẻ lừa đảo hết sức tinh vi này.

Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng rất nhiều dự án tự phân lô bán nền trong cả nước. Trong đó, Công ty Alibaba là điển hình của tình trạng phân lô bán nền với dự án ma, với kiểu bán hàng đa cấp, lấy tiền người sau trả lãi cho người trước; người góp vốn vào dự án đất thì không có đất mà được trả lãi. 

Kiểu kinh doanh lừa đảo này tuy không mới nhưng đánh vào lòng tham nên công ty này thu hút được đội ngũ hơn 2.600 nhân viên hoành hành trong suốt thời gian dài trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu mà không bị ai tố cáo.

Thủ đoạn của Công ty Alibaba là không lập dự án theo các quy định pháp luật đối với dự án bất động sản mà tự phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Cụ thể, Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp với giá chỉ 100.000 - 150.000 đồng/m². Để được tách thửa thì buộc phải đạt hạn mức đất tối thiểu (tùy mỗi tỉnh quy định phải trên 500m² hoặc trên 1.000m²) và với điều kiện lô đất đó phải tiếp giáp đường. 

Để đạt những điều kiện trên, Công ty Alibaba đã “lách luật” thông qua thẩm quyền cho phép làm đường thuộc UBND xã để nộp đơn xin tự nguyện hiến đất mở đường trong chính khu đất của mình. Chính quyền một số xã đã “nhắm mắt” ký cho Công ty Alibaba mở đường mà không cần tuân thủ các quy định về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật...

Sau khi có đường, Công ty Alibaba lập tức tiến hành thủ tục tách thửa, tự phân lô (100m²/lô) và đem bán hoặc hợp tác với cam kết chuyển mục đích sử dụng đất là đất ở. Trong khi luật quy định: Đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở tại nông thôn thì mỗi 1.000m² cũng chỉ lên thổ cư được 200m² (số còn lại đất vườn). 

Bằng thủ đoạn này, hơn 6.700 người đã sập bẫy mua đất của Công ty Alibaba với số tiền giao dịch lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Đến khi các nạn nhân biết đất không thể chuyển đổi mục đích thành đất ở và nếu có nhận đất cũng không xây nhà được thì đã quá muộn.

Hình thức “lách luật” đối với các dự án tự phân lô bán nền đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng công ty địa ốc mua đất, dựng nhà không kiên cố trên đất nông nghiệp. Sau khi được chính quyền cấp xã bỏ qua, các công ty dùng danh nghĩa cá nhân để phân lô bán nền đất nông nghiệp. Nếu một dự án tiến hành đúng trình tự thủ tục thì phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, mất nhiều năm mới xong, nhưng với việc lách luật, tự phân lô, chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện thì thời gian chỉ tính bằng tuần, bằng tháng và không phải tốn nhiều chi phí.

Hành vi trục lợi, lừa đảo khách hàng của Công ty Alibaba không phải khó phát hiện để ngăn chặn, xử lý. Không thể có chuyện chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không biết công ty địa ốc tự ý làm đường, tự ý san nền, phân lô đất ruộng trên địa bàn họ phục trách. Rõ ràng, nếu không có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương thì những kẻ lừa đảo đâu dám ngang nhiên thực hiện những dự án tự phân lô bán nền. 

Kẽ hở cốt tử nằm ngay tại chính quyền cơ sở, nơi có những “con sâu” thông đồng, tiếp tay cho tội phạm. Dư luận mong muốn pháp luật cũng cần đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm những “con sâu” trong bộ máy công quyền.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO