Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

“Kẻ đi ngang vào văn chương” luận bàn về vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam

Biên phòng - Hóm hỉnh, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc là ấn tượng về con người và thi phẩm của Vũ Quần Phương. Thơ ông từng là sách gối đầu của bao thế hệ, từng được nhiều người thuộc nằm lòng… Vậy mà ông vẫn luôn khiêm nhường nhận mình là “kẻ đi ngang vào văn chương” mà thôi. Trong những tác phẩm mang “thương hiệu” Vũ Quần Phương thì vẻ đẹp của người phụ nữ là một đề tài được ông khai thác khá triệt để. Từ bài thơ “Áo đỏ” với hình tượng cô gái xinh đẹp lướt qua như một ảo ảnh, nhà thơ đã có cách so sánh sâu sắc giữa nét đẹp của người phụ nữ trong quá khứ và hiện đại.

49
Ở cái tuổi gần 80, tác giả của “Áo đỏ” vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, hóm hỉnh và đầy chất nghệ sĩ. Ảnh: Bảo Hằng

- Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng có vẻ như “Áo đỏ” của ông vẫn luôn là một ẩn số. Người ta đồn rằng, người con gái mặc áo đỏ ấy chỉ là sản phẩm tưởng tượng trong thơ ông mà thôi?

- Cô gái áo đỏ là hình ảnh thật chứ không phải xuất phát từ trí tưởng tượng. Đây là bài thơ vui, ra đời tình cờ trong một lần tôi đi qua phố Khâm Thiên năm 1973. Tôi đang đứng đợi bạn thì bỗng dưng một cô gái mặc áo sơ mi màu đỏ đạp xe lướt qua. Bị ấn tượng mạnh, cảm xúc ngập tràn, tôi đã nghĩ ra tứ thơ này.

- Hình tượng cô gái đã ám ảnh hồn ông và hồn của nhiều người mê thi tình “Áo đỏ”...?

- Giữa khung cảnh đổ nát của con phố Khâm Thiên sau những trận bom B52, giữa một rừng người mặc áo màu cỏ úa, thiên thanh hay màu xanh công nhân, bỗng một cô gái mặc áo đỏ lướt qua, khiến tất cả xôn xao lạ lùng. Tôi quan sát thấy, bác công nhân già đang đạp xe chầm chậm bỗng nhiên vượt qua cô gái, giả vờ sửa cái gác-ba-ga để cố nhìn. Còn anh thanh niên đang cắt tóc, vội gạt tay bác thợ chuẩn bị chùi bọt lên mặt, để trộm liếc cô gái một cái. Chừng đó đủ để hiểu cô gái đó ấn tượng như thế nào rồi chứ? Thú thực tôi không nhớ mặt, không biết tên cô ấy.

- Chắc hẳn người con gái áo đỏ ấy rất đẹp, thưa nhà thơ?

- Khoảng cách giữa tôi và cô ấy không gần, lại đạp xe thoáng qua nên tôi không nhìn thấy mặt mũi cô ấy như thế nào. Nhưng chắc chắn rằng cô ấy rất đẹp. Đẹp vì lạ. Chỉ sự xuất hiện ngắn ngủi, chớp nhoáng ấy thôi cũng đủ biến mọi thứ xung quanh biến chuyển theo: “cây cũng ánh theo hồng”, “lửa cháy trong bao mắt”, “đốt cháy thành tro”... đủ để thấy cô gái đẹp thế nào rồi chứ?

- Trong giai đoạn chiến tranh, màu áo xuất hiện trong thi ca thường là những gam trầm, buồn nên một ngày xuất hiện cô gái táo bạo với “Áo đỏ” thì lập tức trở thành một hiện tượng?

- Thời ấy, hình ảnh “cái áo” cũng từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật, nhưng mềm mại và nhẹ nhàng hơn, chàng trai cũng yêu màu áo theo cách đằm thắm và sâu lắng hơn, chứ không “rạo rực” như màu “áo đỏ” của tôi. “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng” (Áo lụa Hà Đông- Nguyên Sa) hay màu áo của những cô thanh niên xung phong: “Có lẽ nào anh lại mê em/Một cô gái không nhìn rõ mặt/Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom/Áo em hình như trắng nhất” (Gửi em cô thanh niên xung phong - Phạm Tiến Duật). Còn màu áo đỏ của tôi, mới mẻ và lạ lẫm, có chút gì táo bạo nên người ta dễ bị ấn tượng.

rtyrt
Minh họa: Thái Vũ

- Thơ có thể chia ra nhiều thể loại với nhiều dụng ý. Ông có buồn không, khi người ta gọi “Áo đỏ” là kiểu “thơ... tán gái”?

- Họ nói cũng đúng đấy chứ. Khi nói bài thơ này của tôi là thơ tán gái tức là có hàm ý nói nó bình dân và bình thường. Ban đầu tôi sáng tác không vì mục đích yêu đương, tán gái nhưng vì ý thơ, vì nhân tố bất ngờ nên đẩy bài thơ, tứ thơ vào tình thế bắt buộc... Thế là nghiễm nhiên người ta đánh giá đây là thơ tình, thơ tán gái. Nhưng tôi tự nhận, thơ của tôi cao hơn thơ tán gái.  Vì trong bài thơ này, nếu ngẫm kỹ, người ta mới nhận ra một triết lý tôi gửi gắm, đó là: Đối với tình yêu, đã chấp nhận say mê với nó thì cũng nên chấp nhận trả giá. Chấp nhận say mê em thì chấp nhận “thành tro” thôi. Bài thơ này của tôi không thuộc loại xuất sắc, nó chỉ phổ biến thôi.

- Vẻ đẹp của phụ nữ đã in dấu nhiều trong nghệ thuật thi ca, luôn là đề tài bất hủ khiến nhiều thi sĩ say mê đêm ngày. Nhưng qua dòng chảy thời gian, cách nhìn nhận về vẻ đẹp của người phụ nữ cũng thay đổi ít nhiều?

- Thay đổi rất nhiều. Cái đẹp của người phụ nữ Việt rất e ấp và ý tứ, như đóa hoa lúc nào cũng khép nụ che giấu hương thơm, nhưng khi đã từ từ nở ra rồi, lại khiến con người ta say mê, yêu thích. Rộng hơn, đó là những người phụ nữ dịu dàng, đảm đang và yêu thương chồng con hết mực. Họ còn là những anh hùng trong thời chiến, chứa đựng sức sống tiềm tàng mãnh liệt, oai phong, dũng cảm của người phụ nữ cầm súng, cầm chông đánh đuổi kẻ thù xâm lược, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước. Hay đơn giản đẹp ở vẻ dịu dàng, đức hy sinh: “Chàng buồn có chốn thở than/Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”. Còn vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ ở “hàm răng, mái tóc là góc con người”. Hoặc theo “tiêu chuẩn”: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là tóc”... Vẻ đẹp ấy không lụa là, chải chuốt nhưng rất khó quên.

- Phụ nữ thời nào cũng quan tâm đến nhan sắc, nhưng cách thức chăm sóc và "chuẩn" cái đẹp thì lại khác nhau qua từng thời kỳ. Ông đánh giá như thế nào về vẻ đẹp hiện đại của phụ nữ Việt Nam?

- Có một điều chắc chắn đã là phụ nữ thì sẽ thích làm đẹp. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên nữ giới ngày xưa không có nhiều sự lựa chọn để cải thiện vẻ ngoài. Phụ nữ bây giờ họ có điều kiện chăm sóc sắc đẹp hơn nhiều. Họ có thể sử dụng công nghệ để tác động cho mình đẹp lên, điều đó là lý do chính đáng. Nhưng ngoài vẻ đẹp bề ngoài thì nên chú ý đến chiều sâu bên trong. Phụ nữ đẹp bây giờ không chỉ mặt hoa, da phấn mà phải có một trí tuệ sắc sảo, một cái đầu thông minh.

- Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện thú vị này.

Bảo Hằng (Thực hiện)

Bình luận

ZALO