Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Ka Lăng mùa xuân về

Biên phòng - Được biết đến là một địa phương xa xôi, hẻo lánh bậc nhất của nước t,a nhưng với những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân, vùng đất biên giới Ka Lăng đang không ngừng khởi sắc. Mùa xuân về, nơi địa đầu của Tổ quốc đẹp cả thiên nhiên lẫn lòng người.

sdkfhks
Trung tâm xã biên giới Ka Lăng khi mùa xuân về. Ảnh: Viết Lam

Mùa xuân về, bầu trời, núi rừng xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu một màu trong xanh. Dưới ánh nắng bình minh vùng đất biên giới đẹp đến lạ thường. Ka Lăng là xã biên giới thuộc diện xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu. Địa phương này cách xa trung tâm hành chính của tỉnh trên 300 km, nơi có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Cuộc sống của nhân dân địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo ở Ka Lăng vẫn chiếm khá cao.

Trước đây, nghe đến Ka Lăng, người ta thường dùng đến những cụm từ như “hãi hùng Ka Lăng”, “xa tít Ka Lăng”…bởi đường vào xã biên giới này cực kỳ hiểm trở. Từ trung tâm huyện vào được xã cũng phải mất cả ngày trời bằng xe máy, lẫn đi bộ vượt rừng. Tuy nhiên qua năm tháng cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương mà Ka Lăng đang đổi thay từng ngày. Xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô vào tận trung tâm xã, sóng điện thoại di động được phủ khắp, đầy đủ hệ thống giáo dục từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông, có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Xa xa nhìn xuống, Ka Lăng như một thị tứ sầm uất giữa chốn đại ngàn xanh thẳm.

Phải nói rằng sự đổi thay ở Ka Lăng trong thời gian qua là nhờ vào những chính sách, sự đầu tư vĩ mô của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân. Cùng với đó sự hy sinh thầm lặng của những người trực tiếp làm nhiệm vụ. Ở Ka Lăng mỗi người có một công việc riêng nhưng dễ cảm nhận được một cái chung đó là sự đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn để phục vụ nhân dân. Họ là những thầy cô giáo bám bản, bám lớp dạy chữ cho các thế hệ học trò. Đó là cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu ngày đêm canh giữ từng tấc đất biên cương, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn dân cư.

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm, họ cũng luôn trăn trở tìm mọi cách chăm lo, nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc đang sinh sống nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Lên Ka Lăng sẽ được nghe câu chuyện cảm động về những người lính biên phòng nhận các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi để thuận lợi trong việc chăm lo cho các em được học hành đến nơi, đến chốn.

Ai đã từng đến Ka Lăng sẽ cảm nhận được sự mến khách đến “lạ” của những người đang sinh sống, làm việc nơi đây. Cũng dễ hiểu thôi, Ka Lăng xa lắm, ít có khách đến lắm.

“Khách đã đến Ka Lăng là khách chung của bản, của xã”- Thiếu tá Nông Văn Hơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng chia sẻ như vậy. Nên mới có chuyện khi đang mải mê đi trên con đường nhựa ở Mé Gióng, bản trung tâm xã Ka Lăng chụp ảnh những thiếu nữ người dân tộc Hà Nhì trong trang phục rực rỡ, lạ mắt, tôi bỗng giật mình bởi tiếng gọi của một ai đó: “Anh vào nhà mời nước”. Đó là thầy giáo Bùi Hưng Ngọc, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mù Cả, quê tận huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh lên đây lập nghiệp.

Ngọc vốn là sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán cũng ôm mộng được về quê công tác để đỡ đần cha mẹ. Nhưng về nhà phải chịu hơn 1 năm thất nghiệp, rồi cái duyên lại đưa cậu trở lại Tây Bắc nhưng lại xa hơn nhiều nơi đã từng theo học. Giờ đây, cậu đã lập gia đình với một cô giáo người Phú Thọ và có 2 con gái xinh xắn.

Nhắc chuyện Tết, Ngọc tâm sự: “Mình cũng đã xem đây là quê hương thứ 2 rồi, phần lớn gia đình đều đón Tết trên này. Cũng nhớ quê hương lắm nhưng đành chịu thôi! Em chỉ về khi gia đình có những sự kiện trọng đại”. Ngọc đưa mắt nhìn sang ngôi nhà bên cạnh, như chợt nhận ra điều gì để trong chốc lát, khuôn mặt thầy giáo trẻ vui vẻ trở lại. Thì ra ngay bản trung tâm xã Ka Lăng cũng có gần cả chục hộ gia đình giáo viên ở lại ăn Tết nên cũng đỡ tủi thân.

sdos
Thiếu nữ Hà Nhì biểu diễn văn nghệ đón năm mới. Ảnh: Viết Lam

Còn ở Đồn Biên phòng Ka Lăng thì gần như Tết nào cũng có khách xa lên rồi ở lại, đó là vợ, con của một số cán bộ có nhiệm vụ trực Tết tại đơn vị. Tết năm nay, Trung úy Sừng Phi Hùng, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Ka Lăng là một trong những người thực hiện nhiệm vụ có được may mắn đó.

“Vợ tôi ở tận Tam Đường nên có ước muốn được lên đơn vị để biết Tết biên giới như thế nào? Được sự đồng ý của chỉ huy đơn vị nên từ 28 Tết gia đình tôi đã đoàn tụ tại đón cái Tết ấm áp cùng cán bộ, chiến sỹ đơn vị và nhân dân địa bàn.”- Trung úy Sừng Phi Hùng chia sẻ.

Trong không khí những ngày xuân, Thiếu tá Nông Văn Hơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng cho biết: “Ở Ka Lăng còn có rất đông cán bộ, thầy cô giáo, y bác sỹ… đến từ các vùng quê khác nhau. Nhưng từ lâu, chúng tôi đã xác định Ka Lăng là quê hương thứ hai của mình. Mọi người luôn đoàn kết, quyết tâm chung lưng, đấu cật làm đổi thay mảnh đất vùng biên viễn này.”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO