Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Israel rối ren trong bão tố chính trị

Biên phòng - Trong bối cảnh nội bộ đất nước chia rẽ sâu sắc và đầy rối ren, dù đã tiến hành tới 2 cuộc bầu cử chỉ trong năm nay, nhưng Israel vẫn chưa thể thành lập được Chính phủ mới và các nỗ lực tìm “lối thoát” vẫn đi vào bế tắc.

uzbt_11a
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (bên trái) và Chủ tịch đảng liên minh Xanh - Trắng Benny Gantz (bên phải). Ảnh:Reuters

Israel - quốc gia Trung Đông với phần lớn là người Do Thái đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ khi Chính phủ đứng trước bờ vực sụp đổ. Trong cuộc bầu cử vào tháng 4-2019, đảng Likud của Thủ tướng Chính phủ lâm thời Benjamin Netanyahu và đảng liên minh Xanh - Trắng đều không thể thành lập được Chính phủ mới do mỗi bên đều không thể đạt được ít nhất 61/120 ghế cần thiết để tự thành lập Chính phủ. Điều này đã dẫn tới cuộc bầu cử thứ 2 vào tháng 9, nhưng kết quả vẫn vậy.

Việc tiến hành đến 2 cuộc bầu cử vẫn không tìm ra lãnh đạo đất nước là minh chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh chính trị Israel đã và đang vô cùng rối ren khi không ai có thể trở thành Thủ tướng.

Trong bối cảnh đó, việc thành lập ra Chính phủ thống nhất giữa đảng Likud và đảng liên minh Xanh - Trắng được xem là giải pháp tốt nhất nhằm ổn định chính trường Israel, thay vì kịch bản xấu nhất là cuộc bầu cử lần thứ 3 vốn không có tín hiệu tích cực.

Ngày 23-11 vừa qua, Chủ tịch đảng liên minh Xanh-Trắng Benny Gantz đã đưa ra đề xuất cụ thể về việc thành lập Chính phủ thống nhất là theo phương án nắm quyền luân phiên. Theo đề xuất này, ông Gantz cùng đảng của mình sẽ nắm quyền trong 2 năm đầu và trong 2 năm tiếp theo sẽ đến lượt Thủ tướng của Chính phủ lâm thời Benjamin Netanyahu. 

Thứ tự được đưa ra sau khi ông Netanyahu bị cáo buộc 3 tội danh lớn và đang trong quá trình điều tra với bản án có thể lên tới trên 10 năm tù, nên việc nắm quyền vào thời điểm hiện tại là không phù hợp. Sau 2 năm nữa, nếu ông Netanyahu trong sạch thì sẽ đủ tư cách tiếp quản Chính phủ. Đây được xem là một sự đả kích lớn đối với Thủ tướng đương nhiệm và nắm quyền lực lâu nhất của Israel. Không chỉ bác bỏ mọi cáo buộc, ông Netanyahu còn gọi đây là “cuộc săn phù thủy chính trị” và là “âm mưu đảo chính”. 

Theo quy định hiện hành, dù bị truy tố, nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn nắm quyền cho đến khi có kết quả điều tra chính thức. Tuy nhiên, việc bị truy tố sẽ khiến ông mất 2 chức vụ kiêm nhiệm là Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nông nghiệp. Ông Netanyahu là Thủ tướng đầu tiên và duy nhất sinh ra sau khi thành lập Nhà nước Israel năm 1948, đồng thời là Thủ tướng có uy tín và nắm quyền lực lâu nhất. Ông từng làm Thủ tướng từ năm 1996 đến 1999. Sau đó, năm 2009, ông quay trở lại vị trí đứng đầu Chính phủ và tại vị đến nay.

Trong lịch sử 70 năm của Nhà nước Israel, đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm đứng trước vòng lao lý. Theo các nhà phân tích, điều này có thể là một hệ lụy tất yếu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và nội bộ “đấu đá” dữ dội. Bản thân trong nội bộ đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu cũng đang dấy lên làn sóng yêu cầu bầu chọn lại lãnh đạo của đảng này khiến ông Netanyahu đối mặt với việc kết thúc thời đại cầm quyền của mình.

Giới quan sát quốc tế cũng cho rằng, nếu Thủ tướng Netanyahu bị kết án tham nhũng và lạm quyền như cáo trạng vào đầu tháng tới, đảng cầm quyền lâm thời Likud sẽ không còn người đứng đầu, vì vậy, đảng liên minh Xanh - Trắng sẽ dễ dàng chiếm được lợi thế để nắm quyền Chính phủ thống nhất. Ngược lại, nếu những bế tắc không sớm được giải quyết, Israel sẽ phải tiến hành kịch bản xấu nhất là cuộc bầu cử lần thứ 3.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO