Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 03:36 GMT+7

Ia O - từ “vùng trắng” đến vùng nông thôn mới

Biên phòng - So với các địa phương khác nằm trong khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai, xã Ia O, huyện Ia Grai có khá nhiều lợi thế để phát triển. Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi với nền đất đỏ bazan màu mỡ, khả năng tích hợp tốt, hệ thống sông ngòi, thủy lợi, nguồn nước ngầm đa dạng phong phú, rất phù hợp đối với các loại cây trồng, xã Ia O còn sở hữu chuỗi lợi thế đến từ các công trình thủy điện trên “dòng sông năng lượng” Sê San, rất có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch và thương mại dịch vụ… Với nguồn lực như thế, xã biên giới Ia O từng bước “chuyển mình” từ vùng trắng đến vùng nông thôn mới (NTM).

Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Ia O khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Một thời vọng tiếng “đò đưa”

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, xã biên giới Ia O nói riêng, địa bàn huyện Ia Grai nói chung được xem như “thủ phủ” của mặt trận B3. Và có một điều chắc chắn là bất kỳ ai đã từng sống, chiến đấu trên “túi lửa” này đều thuộc lòng bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong, phỏng thơ Mai Trang: “…Dòng Pô Cô sáng ngời tên anh, làng buôn ca hát gợi tên anh. Dù sông kia có khi cạn, dù non kia có khi mòn. Tấm gương anh không mờ, đời đời rực sáng…”.

Trên dòng Pô Cô khúc khuỷu, gập ghềnh đá núi, người con ưu tú của dân tộc Jrai, Puih San (bí danh là A Sanh) với chiếc thuyền độc mộc chèo tay đã lập nên kỳ tích chuyên chở hàng ngàn lượt bộ đội, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, khí tài sang sông đánh giặc.

Chiến công lừng lẫy của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh được lập nên từ tiếng khua nhè nhẹ, lặng thầm của mái chèo - nguồn năng lượng duy nhất để vận hành con đò. Âm thanh ấy không chỉ truyền nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ, mà còn lan tỏa trên khắp các buôn làng biên giới từ thuở Ia O còn “ẩn mình” giữa vùng trắng mênh mông.

Sau ngày đất nước được giải phóng cho đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, xã Ia O là mảnh đất “quen nhưng rất lạ, gần mà thật xa” bởi vô vàn những khó khăn trong cuộc sống. Gần như toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên địa bàn đều là con số 0, đi theo đó là tình trạng người lớn mù chữ, trẻ em thất học, nghèo nàn, lạc hậu hiện diện khắp nơi từ làng Bi, làng Lân xuống Mít Jép, Mít Kom, rồi qua làng Dăng, làng O, nơi đâu cũng thấy bóng “giặc đói, giặc dốt”. Cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh xuống thôn làng đều phải “xắn tay áo” vào cuộc, cùng với đó là sự tham gia tiếp sức từ các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, đưa Ia O từng bước cởi bỏ vùng trắng.

Một trong những dấu ấn đậm nét trong lộ trình phát triển của mảnh đất bên dòng Pô Cô đó chính là “điểm sáng văn hóa” vùng biên do BĐBP Gia Lai triển khai xây dựng và “vận hành” ròng rã hàng thập kỷ. Tại đây, những người lính Biên phòng gắn chương trình phối hợp với ngành giáo dục, y tế, văn hóa, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để cùng lúc “vào vai” người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ tuyên truyền văn hóa, kỹ sư nông nghiệp “quân hàm xanh” đồng hành trong từng “nhịp thở” của buôn làng. “Vai diễn” nào của lính Biên phòng cũng đầy hối hả nhưng nhịp nhàng và thầm lặng, tựa như mái chèo của Anh hùng A Sanh năm xưa, để đón đưa nhân dân cập bến bờ hạnh phúc. Ia O một thời tuy nghèo khó mà bình yên trong những chuyến đưa đò.

Quyết tâm giữ vững “nhịp điệu” nông thôn mới

Nếu như những lợi thế về tự nhiên và con người là điều kiện cần để có thể “nâng tầm” một vùng đất, thì việc triển khai chương trình xây dựng NTM chính là điều kiện đủ để “chắp cánh” vùng biên Ia O vươn xa.

Với tổng kinh phí được huy động hơn 42,3 tỷ đồng từ các nguồn như: Ngân sách Trung ương (36,5 tỷ), ngân sách địa phương (hơn 3 tỷ), số còn lại từ các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, xã Ia O bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM với niềm tin và hy vọng rất lớn. Các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà ở dân cư, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu vực hành chính, sinh hoạt văn hóa, thương mại nông thôn... được đầu tư xây dựng bài bản, đáp ứng tốt mọi nhu cầu về sinh hoạt, học tập, lao động, sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Niềm vui của quân và dân vùng biên giới Ia O trong ngày hội làng. Ảnh: Thái Kim Nga

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của địa phương như cà phê, hạt điều và cao su. Tính đến cuối năm 2020, xã biên giới Ia O đã quy hoạch phát triển ổn định vùng sản xuất với các loại cây trồng như: Cao su (775ha), cà phê (253ha), điều (1.218ha), hồ tiêu (33ha), các loại cây ăn quả (77ha) và hơn 460ha đất trồng lúa và các loại cây màu khác. Thu nhập bình quân đầu người trong năm này cũng được cải thiện đáng kể, đạt 42,150 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015, số hộ nghèo giảm sâu xuống còn 2,8% (năm 2015 là 16,17%). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm, kể cả trong giai đoạn “nước rút” của chương trình phải căng mình phòng chống đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, chương trình xây dựng NTM đến với xã Ia O không chỉ tạo “chiếc chìa khóa vàng” để mở ra những thành công, mà còn thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân - dân - chính - Đảng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương biên giới ngày càng ổn định và phát triển. Mặc dù vậy, xây dựng NTM đã khó mà giữ vững nhịp điệu phát triển để không bị “tụt tiêu chí” lại càng khó hơn. Đây là mối nguy cơ, thách thức chung dành cho tất cả các địa phương sau khi đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM, dù mỗi nơi có những tác nhân khác nhau.

Với xã Ia O, việc có những biến động về “chỉ số kinh tế” (tất nhiên phần lớn là do những yếu tố về an ninh phi truyền thống gây nên) rất đáng để dành sự quan tâm đặc biệt. So sánh kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã Ia O từ năm 2020 đến 2022, có thể nhận thấy, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội ở đây đi theo “biểu đồ hình sin” lúc giảm lúc tăng. Tương tự, hộ cận nghèo cũng có những biến động khá thất thường. Cũng theo kết quả rà soát thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tính đến cuối năm 2022, xã Ia O vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt, bao gồm thu nhập (tiêu chí số 10), hộ nghèo (tiêu chí số 11), hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) và y tế (tiêu chí số 15).

Những tác nhân khách quan đến từ thiên tai, dịch bệnh tạo nên những biến động về “chỉ số kinh tế” nêu trên vẫn không làm vơi đi quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã biên giới Ia O trong “cuộc cách mạng” xây dựng NTM. Năm 2023, địa phương này đặt quyết tâm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, cùng với đó là tập trung xây dựng 8 làng trên địa bàn đạt chuẩn làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Bộ tiêu chí thôn, làng NTM do UBND tỉnh Gia Lai ban hành vào năm 2019.

Thử thách không nao lòng, khó khăn không chùn bước- đó là bản lĩnh, lòng quyết tâm của các thế hệ con cháu Anh hùng A Sanh hôm nay trên đất Ia O đầy niềm tự hào và khát vọng. Khí chất đó cùng với sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước đã đưa mảnh đất bên dòng Pô Cô huyền thoại “chuyển mình” từ vùng trắng đến vùng NTM.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO