Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Huyền tích những vị vua không ngai

Biên phòng - Người J’rai gọi họ là các Ơi, thể hiện sự cung kính. Tuy nhiên, ngày xưa, các nước láng giềng lại xem họ như các Pơtao - “vua”, vì mặc dù không có quyền, không có quân, nhưng tiếng nói của họ là đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng của cộng đồng, thậm chí của cả một vùng cư dân rộng lớn quần tụ nơi đại ngàn cao nguyên. Thường ngày, các Pơtao Apuih (vua lửa), Pơtao Ia (vua nước), Pơtao Agin (vua gió) vẫn lao động sản xuất như những “thần dân” khác, tối đến vẫn chén chú chén anh với người cao tuổi và lấy vợ, sinh con. Chỉ khi họ cử hành lễ cúng thì “vóc dáng” của các ngài mới trở nên thần thánh hơn trong mắt của lũ làng...

Ông Rơ Lan Hieo (ngồi bên trái), phụ tá của “vua lửa” đời thứ 14 Siu Luynh thực hiện lại lễ cúng cầu mưa do huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thái Kim Nga

“Báu vật” Plei Tao

Từ trung tâm thành phố Pleiku xuôi về hướng Nam qua ngọn núi lửa nổi tiếng Hàm Rồng đã ngủ yên hàng triệu năm qua khoảng 50km là đến vùng bình nguyên khá rộng lớn, nơi quần tụ những ngôi làng người dân tộc thiểu số Jrai. Những ngôi làng này đã hình thành từ hàng trăm năm qua, trong đó có làng Plei Tao (Plei theo tiếng Jrai là làng) thuộc xã Ia Phang, huyện Chư Pứ (Gia Lai).

Nhìn vẻ ngoài, Plei Tao là cộng đồng dân cư như bao ngôi làng người Jrai khác, song, nó đặc biệt ở chỗ đây là nơi sinh sống của các Ơi, với 9 đời Pơtao Ia (vua nước). Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, cả 9 đời Pơtao Ia ở đây đều sống chung với bà con dân làng chuyên đứng ra cử hành các lễ cúng cho Plei Tao và các làng lân cận. “Vua” cũng vào rừng phát rẫy làm nương, uống rượu với người già, không có quân lính ngoài một số người phụ việc trong những buổi lễ cúng. Vị Pơtao Ia cuối cùng (đời thứ 9) tên là Rơ Châm Chút đang ở “ngôi cao”, vì làm trái lời ông bà nên có một thời gian bị điên không được dân làng suy tôn nữa, từ đó đã bỏ đi nơi khác lấy vợ hai.

Báu vật cuối cùng còn lại của 9 đời “vua nước” ở Plei Tao, đó là thanh gươm hoen rỉ và sợi dây có lục lạc đeo ở cổ con voi. Thanh gươm này hiện đang được gia đình ông Kpăh Măng cất giấu trong hang đá ở một ngọn núi xa. Theo truyền thuyết, thanh gương này có lần được đưa về làng, tuy nhiên nó cứ “cựa quậy”, rung lên bần bật mỗi khi đêm xuống, mạnh đến độ cả căn nhà cũng rung theo. Bà con dân làng vô cùng hoảng sợ, quỳ xuống cúng lạy rồi đem cất giấu trên núi thì thanh gươm mới hết rung.

Cũng theo truyền thuyết, vào một năm trời hạn nặng, ruộng đồng nứt nẻ, người lớn. trẻ con ngoắc ngoải. Trước tình thế đó, Pơtao Ia bàn với già làng thử làm lễ cúng cầu mưa, nhờ thần nước cứu cả làng đang lả đi vì đói khát. Mọi “thần dân” trong làng, người mang heo, gà, kẻ dắt trâu, ôm ghè rượu cần đến làm làm lễ vật để cúng.

Pơtao Ia làm chủ lễ lầm rầm khấn vái, “hô mưa gọi gió” và chỉ hai ngày sau, một cơn mưa lớn đã trút xuống cứu sống cả dân làng. Từ đó, quyền năng của Pơtao Ia càng được nâng lên, kéo theo một số lệ tục khắt khe để thần thánh hóa ngài như trẻ em không được đến gần “vua”, “vua” không được ngồi uống rượu với người trẻ và phải kiêng cữ một số món ăn truyền thống.

Pơtao Ia “trị vì” đến đời thứ 9 thì kết thúc. Gần 30 năm qua kể từ ngày ông Rơ Châm Chút bị “truất ngôi”, chẳng còn ai ở Plei Tao muốn làm “vua” và nét văn hóa cúng cầu mưa ở đây đang ngày càng bị mai một.

Hai “tiểu vương” nơi thung lũng Ayun Pa

Từ “vương quốc” của Pơtao Ia, nhìn về hướng Đông khoảng 20km là đến thung lũng Ayun Pa - một trong những vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên, nơi có những giai thoại huyền bí, ly kỳ về hai “ông hoàng” không ngai, đó là Pơtao Apuih (vua lửa) và Pơtao Agin (vua gió).

Đầu tiên, cần phải kể đến sự hiện diện của “vua lửa” tại làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong tác phẩm “Đến với lịch sử văn hóa Bắc Tây Nguyên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng, hiện tượng “vua lửa” đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua. Các Pơtao Apuih không chỉ được cư dân bản địa nhắc đến như những thần linh có sức mạnh huyền bí, mà còn được hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, Lào và Campuchia biết đến. So với các hiện tượng lịch sử, Pơtao Ia (vua nước), Pơtao Agin (vua gió) thì văn hóa Pơtao Apuih xuất hiện sớm nhất.

Theo một số tài liệu nghiên cứu của các học giả, hiện tượng Pơtao Apuih có thể xuất hiện khoảng thế kỷ 15 với 14 đời “vua” trị vì khác nhau. Các Pơtao Apuih phải kiêng nhiều, không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó. Vào các buổi cử hành lễ cúng, các “thần dân”, nhất là trẻ con không được đến gần “vua” ngoài già làng và một số phụ tá.

Bên cạnh việc cúng tế, đặc biệt là lễ cúng cầu mưa diễn ra vào cuối tháng 4 dương lịch hằng năm, thỉnh thoảng, “vua lửa” cũng vi hành, đi thăm các làng và được thết đãi khá trọng thị. Vật phẩm mà người làng làm quà cho “vua lửa” thực ra chỉ mang tính tượng trưng, có khi chỉ là một lưỡi cuốc, một vật dụng gì đó trong gia đình. Trong số 14 vị Pơtao Apuih đã “trị vì” thì ông Siu Ăt (“lên ngôi” khoảng đầu thế kỷ 20) là người thể hiện sự quật cường, là một thủ lĩnh đúng nghĩa của người Jrai chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp. Ông đã chỉ huy dân làng giết viên quan cai trị Prosper Odend’hal vào năm 1904. Còn “ông hoàng” cuối cùng là ông Siu Luynh và khi ông này chết (năm 1999), “ngôi vương” bỏ trống từ đó cho đến nay.

Những câu chuyện về các Pơtao Apuih được truyền khẩu từ đời này sang đời khác nửa như thực, nửa như mơ. Tuy nhiên, có một hoạt động rất chân thực được 14 đời “vua lửa” thực hiện một cách thường xuyên và giờ đây đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Jrai ở thung lũng Ayun Pa, đó là lễ hội cúng cầu mưa. Hoạt động này được huyện Phú Thiện đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Trên địa bàn của huyện Phú Thiện hiện nay cũng đã từng xuất một “ông hoàng” không ngai khác, cũng đầy quyền uy và chuyên lo việc... cúng tế, đó là “vua gió” Pơtao Agin. “Vua gió” ở làng Plei Măng, xã Chư A Thai, Phú Thiện (Gia Lai) đến nay được truyền qua 8 đời và cũng đã chịu cảnh “hoàng hôn của đế chế” vào năm 2001 vì tìm mãi mà chẳng người nào muốn... nối ngôi. Cùng với “vua nước”, “vua lửa”, “vua gió” ở Plei Măng được bà con dân làng trao cho những trọng trách về tinh thần, họ được xem như những “thông ngôn” giữa cộng đồng và Yàng (trời) để truyền đạt ý nguyện của nhân gian với các đấng siêu nhiên.

Huyền tích về 3 vị “vua” không ngai Pơtao Ia, Pơtao Apuih, Pơtao Agin của cộng đồng người Jrai chủ yếu được truyền khẩu từ xa xưa cho đến nay. Dẫu không hề có một thể chế pháp trị, mà đơn thuần mang tính chất thần quyền, song, sự chi phối của họ trong đời sống tâm linh của những cư dân bản địa là rất đậm nét và trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Jrai ở vùng Nam Gia Lai.

Thiết nghĩ, bên cạnh những nỗ lực bảo tồn, phục dựng lễ hội cúng cầu mưa của “vua lửa” Pơtao Apuih trong quần thể khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi ở xã Ayun Hạ, chính quyền địa phương và ngành văn hóa sở tại cần có động thái tích cực đối với hai “ông hoàng” còn lại để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người Jrai trên vùng đất Gia Lai đầy nắng và gió.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO