Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 01:31 GMT+7

Huyền tích cột đá trắng

Biên phòng - Thấy tôi mải nhìn tấm ảnh khổ lớn giăng kín bức tường phòng khách, Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Đồn trưởng Đồn BP Thu Lũm, BĐBP Lai Châu hào hứng nói: “Hòn đá trắng Thu Lũm đấy, anh ạ. Hình trên ảnh to đúng bằng hình trên thực địa. Thiêng lắm! Các anh có điều kiện thì lên đấy thắp hương cho “ông cụ”. Biết chuyện rồi mà không lên đấy được, tiếc lắm”.

fm9x_22a
Đoàn nhà báo Hà Nội bên cột đá trắng. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Từ lúc nghe anh Hòa nói “thiêng lắm” thì “cột đá trắng” đã cuốn hút tâm trí của tất cả các thành viên đoàn nhà báo Hà Nội. “Một chuyện nảy sinh ngoài chương trình công tác chắc ý nghĩa lắm đây” - Tôi nghĩ.

“Xã Thu Lũm có hơn 36km đường biên giới, giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Xã có 9 bản và 460 hộ, người dân tộc Hà Nhì chiếm 80% dân số xã; còn người Dao, người La Hủ và cả người Kinh đều trở thành “dân tộc thiểu số”. Mấy năm trở lại đây, bà con đẩy mạnh canh tác và chế biến tinh dầu sả, cộng thêm thu nhập từ việc bảo vệ rừng đã đem lại cuộc sống khá ổn định” - Ông Chu Xé Lù, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm nói vậy.

Người đàn ông Hà Nhì tuổi 50 cười rất thân tình, ông còn đùa: “Có nhà báo nào muốn ở lại làm rể Thu Lũm không? Con gái Hà Nhì xinh và biết chiều lắm đó”. Tôi gật đầu rồi lại lắc đầu, đã quá muộn để mong làm rể nơi đây, nhưng tôi cũng phải thầm công nhận điều ông Lù vừa nói. Những cô gái Hà Nhì mà chúng tôi đã gặp đều có nước da trắng hồng, mỗi khi định nói câu gì, các cô lại mím mím đôi môi, động tác bẽn lẽn mà đầy mê hoặc.

Các cô đẹp như những bông hoa đỗ quyên hồn nhiên khoe sắc giữa núi rừng xanh ngát. Cũng phải thêm rằng: Từ khi Đồn BP Thu Lũm phối hợp chặt chẽ và thường xuyên cùng địa phương tiến hành tuần tra chống đốt rừng, phòng chống cháy rừng đến giờ thì độ che phủ rừng của xã Thu Lũm đạt tới 80%. Rừng xanh như tô thêm vẻ hùng vĩ và sự ấm yên của xã vùng biên xa xôi vào loại nhất nước này...

Quả đúng như “cảnh báo”, đường lên “cột đá trắng” tuy chỉ chừng hơn 20km, nhưng dốc cao và đá lổn nhổn. “Cột đá trắng Thu Lũm” - như cách gọi của bà con, nằm ở địa phận bản Pa Thắng (xã Thu Lũm). Thật lạ kỳ, nơi đỉnh núi có độ cao hơn 1.300m vốn chỉ đất với đất này và toàn cây xanh che phủ lại đột ngột sừng sững một khối đá màu trắng. Khối đá đứng độc lập, hình trụ, cao chừng 1,2-1,3m và có đường kính độ 80cm. Thoạt nhìn đã thấy rất đặc biệt, khối đá có hình thù tựa như dáng một người đang ngồi. Dưới chân khối đã có những chân hương cắm xung quanh chứng tỏ ai đó vừa tới thắp hương. Vạt đất quanh khối đá được dọn sạch cỏ và khá sạch nhẵn, chứng tỏ khối đá thường xuyên có người chăm nom.

Thượng úy Đỗ Văn Tiệp, Đội trưởng Đội Kiểm soát Đồn BP Thu Lũm giới thiệu: “Cột đá này cách đường biên giới trên thực địa gần 2m và nằm trong phạm vi cột mốc 24, anh em đơn vị thường đi tuần tra qua đây... Các chú chú ý đi lại, kẻo “nhầm” sang đất Trung Quốc”. Tôi rất thích thú với chi tiết này và nói: “Cột đá giống ý như một cột mốc ấy”. Đội trưởng Tiệp đáp. “Vâng. Đó là cột mốc tâm linh, chú ạ. Cột này do bà con bản Pa Thắng dưới chân núi hằng ngày lên chăm nom, quét dọn và chăm lo hương khói. Các chú thấy đấy. Bà con bảo vệ cột đá này ghê lắm”.

Sau khi làm thủ tục châm hương và khấn vái “ông cụ”, chúng tôi đứng trầm ngâm nghĩ ngợi. Cột đá trắng đứng sừng sững sẽ không thể chuyển dời. Còn nói về mặt tâm linh thì chắc chắn rằng đó là vĩnh cửu.

Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm Chu Xé Lù đón chúng tôi ở ngay cổng Đồn BP Thu Lũm khi chúng tôi vừa từ trên “cột đá trắng” về. Ráng chiều soi màu hồng hồng như chính nó đang vẽ lên những mái nhà lợp ngói âm dương thứ màu anh ánh sắc. Gió thổi từ dưới thung lên lành lạnh. Ông Chu Xé Lù chậm rãi kể.

“Thuở ấy, đất đai nơi đây còn hoang vắng, người chưa đến ở. Một hôm, có ông tộc trưởng tên là Phú Tư ở nơi cách rất xa chỗ này, vì chán cảnh tranh giành đất đai, trộm cắp, chém giết nên dẫn bộ tộc mình đi lánh nạn và tìm đất mới. Đoàn người vất vả băng rừng, vượt dốc, chiến đấu với thú dữ và rồi cứ rơi rớt dần. Ngay đến vợ con của ông Phú Tư cũng bị tụt lại ở phía sau. Chỉ còn lại mỗi mình ông Phú Tư, ông đi đến đúng chỗ này thì bóng đêm bưng kín lối.

Ông ngồi nghỉ lại một mình giữa mịt mùng, trong nỗi nhớ thương vợ con và trong nỗi canh cánh vì không thực hiện được lời hứa trước khi ra đi với bà con trong bộ tộc. Ông ngồi mãi, ngồi mãi và ngồi cho đến sáng. Mặt trời lên cao, tỏa ánh nắng chói chang khiến ông hoa hết mặt mày rồi kiệt hết sức lực mà không đứng dậy đi tiếp được nữa. Ông hóa thành cột đá có màu trắng lạ kỳ giữa bao cây lá.

Rất nhiều năm sau, có người đàn ông Hà Nhì tên là Pa Thắng cũng ngược núi rừng dẫn bà con đi tìm nơi lập bản. Ông Pa Thắng đang phân vân chưa biết đi tiếp hay dừng lại thì cơn buồn ngủ ập đến. Ông tựa lưng vào cột đá trắng để ngủ. Trong giấc ngủ, ông Pa Thắng thấy ông Phú Tư hiện lên. Ông Phú Tư bảo rằng, không phải đi đâu nữa, hãy dừng lại nơi đây mà lập bản.

Ông Phú Tư còn dặn đi dặn lại ông Pa Thắng là làm gì thì làm, hãy chăm lo cho bà con yên ổn, hãy làm những điều tốt lành với người xung quanh thì bản làng sẽ vững bền. Bản Pa Thắng hình thành từ đó. Xã Thu Lũm hình thành từ đó. Cũng từ đó đã biết bao nhiêu năm trôi qua nơi biên viễn xa xôi này, dù trải bao phiên biến đổi, nhưng người dân vẫn đoàn kết cùng nhau xây dựng bản làng”.

Câu chuyện nhuốm màu huyền tích nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận về những năm tháng mà ông cha ta dày công đi tìm đất, mở đất và giữ đất. Chợt nhớ đến tấm băng màu đỏ căng trước ngôi nhà chỉ huy Đồn BP Thu Lũm, tấm băng có dòng chữ “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Đó đúng là một phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, của cán bộ và nhân dân xã Thu Lũm. Câu đó đại ý là: “Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước phải có kế lâu bền”.

Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi phía trước mặt và thấy đỗi thấm những điều mà ông Phú Tư đã mộng báo với ông Pa Thắng.

Nguyễn Trọng Văn

Bình luận

ZALO