Biên phòng - Với những người dân ở mảnh đất ngã ba biên giới Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), câu chuyện về người Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ và công lao to lớn của anh đối với đồng bào dân tộc nơi đây vẫn thường xuyên được nhắc tới. Chúng tôi đã gặp bà Chu Chà Me - người từng được anh Thọ giúp đỡ, hướng những bước đi đầu tiên trong hành trình vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập để có tri thức, trở thành người cán bộ, góp phần xây dựng bản, làng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, trong ký ức của bà Chu Chà Me, những ân tình của người lính Biên phòng ngày ấy vẫn được lưu giữ mãi.
Tôi có may mắn gặp được bà Chu Chà Me tại buổi lễ khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ tại bản Leng Su Sìn, ngày 27-2-2016. Lúc ấy, bà Chu Chà Me đã 73 tuổi. Bà sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ngày lễ khánh thành, bà vượt qua quãng đường dài vào Leng Su Sìn để dự lễ. Trong tâm trí của người phụ nữ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, những câu chuyện từ mấy chục năm trước về Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ vẫn như còn in đậm trong trí nhớ. Ánh mắt bà ngời sáng trong những hồi tưởng về anh Trần Văn Thọ.
Bà Chu Chà Me kể, vùng đất Leng Su Sìn nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Người dân Hà Nhì sống rải rác trong các cánh rừng hay trên những núi cao quanh năm mây mù bao phủ, chỉ biết phát nương trồng ngô, trồng sắn, săn bắn con thú trong rừng. Trước đây, muốn đi vào bản, người ta phải cuốc bộ xuyên rừng, đem theo cơm nắm, nước uống, đi cả chục ngày đường rừng mới tới nơi. Người ta thường truyền tai nhau, vùng đất này vào mùa khô, gió Lào thổi như hắt lửa, có những chặng đường đi cả ngày không kiếm nổi một giọt nước. Mùa mưa, đường mòn ngập bùn đến đầu gối, muỗi vắt nhiều vô kể...
Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, khi mà vùng ngã ba biên giới này còn nạn hổ và phỉ về bản bắt người đêm đêm thì xuất hiện các chiến sĩ Đồn 5 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên), trong đó có anh Trần Văn Thọ, quê ở Việt Thành (Trấn Yên, Yên Bái). Anh đã xuyên rừng lên “nằm vùng”, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con, tiễu phỉ, cùng đồng bào giữ vững biên cương Tổ quốc.
Từ xưa, người Hà Nhì ở đây chỉ biết dùng gậy vót nhọn chọc lỗ, tra ngô, tra lúa vào đó rồi để cây cối tự nhiên lớn lên mà không chăm sóc, tưới tắm. Do đó, năng suất ngô, lúa không cao. Năm nào rét đậm, rét hại, sương muối thì mất trắng, phải kiếm củ mài, rau rừng ăn qua bữa.
Thế nhưng từ ngày anh Trần Văn Thọ về bản, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều đổi thay. Bà Chu Chà Me cho biết, ngày ấy, bà mới 15 tuổi. Anh Thọ cùng các anh trong Đội Vận động quần chúng về ở bản, đến từng nhà, vận động từng người xuống núi nơi gần suối Păng Pơi, xây dựng bản định cư làm lúa nước, nhưng bà con còn băn khoăn lo lắng.
Nhân dịp nghỉ phép, anh Thọ về dưới xuôi, lặn lội đi bộ cả tháng trời mang lên một gùi thóc và chiếc lưỡi cày, xẻ đất, dẫn nước, đắp bờ làm ruộng và dạy người Hà Nhì cách trồng lúa nước. Năm ấy, lúa do anh trồng bông nặng trĩu hạt và cho thu hoạch cao hơn rất nhiều so với lúa của đồng bào. Thấy được kết quả việc anh làm và nghe anh kể về những cánh đồng lúa nước bao la ở dưới xuôi nên ai cũng muốn làm theo.
Nghe theo lời anh, bà con xuống núi định cư lập bản lấy tên là bản Đoàn Kết. Anh Thọ cùng các chiến sĩ trong Đội Vận động quần chúng giúp dân sửa nhà, mang ống tre xuống suối lấy nước, mang hạt muối, chăn ấm, quần áo lên chia cho bà con. Dân bản quý tấm lòng, quý sự tận tụy của anh Thọ nên làm theo, vui vẻ dựng nhà, lập nên bản mới.
Anh Trần Văn Thọ cùng các cán bộ, chiến sĩ trong Đội Vận động quần chúng còn đi khắp bản trên, bản dưới trong xã để vận động nhân dân rời bỏ “con ma thuốc phiện”, bỏ hủ tục, không nghe theo phỉ, vận động phỉ đầu hàng..., giúp dân bản không còn đói, không còn rét nữa.
Bà Me kể: “Ngày ấy, những người mắc bệnh phong bị xua đuổi vào rừng sâu ở. Anh Thọ cùng đội công tác vào làm lán ở cạnh, tìm thuốc trong rừng về chữa bệnh cho những người bị phong. Ngày Tết, anh đón lũ trẻ chúng tôi tới đơn vị múa hát và chia kẹo, ai cũng vui. Anh dạy những đứa trẻ như tôi học hát, học múa, học chữ. Anh Thọ đã bỏ nhiều công sức thuyết phục gia đình cho tôi ra tỉnh học, bởi khi đó trong bản chưa có trường lớp. Nghe lời anh, tôi đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập”.
Thế là, bà Me trở thành người đầu tiên của vùng ngã ba biên giới rời bản đi học. Rồi bà trở thành người đại diện cho học trò vùng dân tộc thiểu số đi đón Ata Hồ (Bác Hồ) khi tròn 17 tuổi. Bà còn được gặp Bác lần thứ hai tại Hà Nội vào dịp 2-9-1960. Nhớ lời dặn của Bác Hồ, bà Me chịu khó học tập. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Việt Bắc, bà đi dạy học ở ngay chân đồi A1, rồi về Ban Dân tộc tỉnh, sau đó làm ở Ban Phát thanh tiếng Hà Nhì của Đài Phát thanh Lai Châu cho đến khi về hưu.
Từ những việc làm của anh Thọ, người dân đã từ bỏ việc phá rừng làm nương rẫy, từ bỏ thói quen sống trên núi cao, di dời xuống thung lũng lập làng bản, trồng hoa màu, nuôi gà, lợn, chấm dứt hoàn toàn trồng cây thuốc phiện... Thế nhưng, sau những thành quả ấy, đồng bào nơi đây mãi mãi mất đi người cán bộ Biên phòng đáng quý. Anh đã không thể qua khỏi căn bệnh sốt rét ác tính sau bao ngày dầm mưa, dãi nắng trong rừng sâu để tiễu trừ phỉ. “Người dân Leng Su Sìn vẫn nhớ, năm anh Thọ hy sinh là năm 1961, anh mới vừa tròn 26 tuổi. Ơn của anh Thọ với dân bản chúng tôi to như núi, chẳng bao giờ trả hết được...” - Bà Me xúc động nói.
Kể đến đây, giọng bà Me nghèn nghẹn trong tiếng khóc xót thương cho người con ưu tú của Leng Su Sìn khi còn bao ước mơ, dự định muốn làm cho đồng bào mà anh Thọ chưa thực hiện được. Nhà nước truy tặng anh Trần Văn Thọ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 1-1-1967. Di cốt của anh sau đó được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Lai Hà (Lai Châu).
Tuy nhiên, bà con Hà Nhì ở Leng Su Sìn vẫn đắp lại ngôi mộ nơi anh đã từng nằm xuống, thờ cúng anh vì đã có công bài trừ thuốc phiện, dạy nghề trồng lúa nước. Bữa cơm đầu tiên của mỗi vụ lúa mới, bà con Hà Nhì đều mang lên mộ anh để hương thơm của bát cơm lúa mới hòa vào lòng đất nơi anh yên nghỉ với lòng thành kính tri ân. Đến ngày giỗ anh Thọ, mỗi gia đình đều đem đến mộ anh một sản vật để tỏ lòng tri ân.
Chúng tôi cùng bà Chu Chà Me dạo bước đến Khu tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ, được xây dựng ngay trước cổng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn như lời nhắc nhở các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị suốt đời phấn đấu, học tập tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của anh Trần Văn Thọ, góp phần xây dựng vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
Thanh Thuận