Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 01:22 GMT+7

Huyền thoại Thoại Ngọc Hầu

Biên phòng - Đến vùng đất phương Nam, những câu hát đờn ca tài tử luôn hiện ra hình ảnh và cuộc đời của vị tướng trấn ải biên giới phương Nam 190 năm về trước, đó là danh tướng Nguyễn Văn Thoại, thường gọi là Thoại Ngọc Hầu (1761-1829), cha đẻ của kênh Vĩnh Tế.

qaem_23b
Kênh Vĩnh Tế sau 190 năm. Ảnh: Lê Văn Chương

Kênh dọc biên giới

Buổi sáng, đi dọc theo các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới của huyện Tri Tôn và xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, không khí mát lạnh của buổi bình minh cộng với hơi nước phả lên từ dòng kênh rạch chở nặng phù sa. Sau gần 200 năm, kênh Vĩnh Tế với chiều dài 90km vẫn soi bóng những con thuyền ngược xuôi, như nội dung ghi trong Đại Nam nhất thống chí: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được thuận lợi vô cùng”. 

Nhìn trên bản đồ google maps, kênh Vĩnh Tế nằm song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, có đoạn con kênh và đường biên giới nằm cạnh nhau. Từ mờ sáng đến đêm khuya, tiếng thuyền chở lúa với tiếng máy nặng nề xuôi ngược qua cầu Phan Xích Long, ra sông Châu Đốc, đi về kênh Hà Tiên, Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang. Đứng trên cầu có thể ngắm những ngôi nhà sàn nằm san sát trên mặt kênh, những phận người cả đời làm nhà trên con thuyền nhỏ, nay đây mai đó kiếp thương hồ trên con kênh có dòng nước chở nặng phù sa.

Đi trên đường Tân Nữ Kiều Nương dẫn từ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến núi Sam, đi dọc kênh Thoại Ngọc Hầu, thỉnh thoảng dừng lại bên quán nước ven đường và nghe các cụ già trầm ngâm nói về bài “Tế cô hồn kênh Vĩnh Tế” do Thoại Ngọc Hầu biên soạn để tưởng nhớ hàng ngàn sưu dân, chiến sĩ đã bỏ mình trong quá trình đào kênh từ năm 1819 đến năm 1824: “đào kênh trước mấy kỳ khó nhớ/khoác nhung y chống đỡ biên cương/xông pha máu nhuộm chiến trường/bọc thây da ngựa, gởi xương chốn này...”. 

Bốn câu đầu trong bài văn tế đầy ngậm ngùi, vị tướng Biên phòng trấn thủ đất phương Nam đã hé lộ về công trình kênh Vĩnh Tế không chỉ là công trình phục vụ dân sinh, mà còn phục vụ mục đích quốc phòng. Trước khi đào kênh này, Thoại Ngọc Hầu từng là quan trấn thủ Lạng Sơn nên chắc chắn biết lo xa việc xây dựng công trình phòng bị gắn với phát triển kinh tế là một kế sách lâu dài. Sử sách thời đó ghi lại, vua nhà Nguyễn lúc đó đã truyền dụ người dân Vĩnh Thạnh rằng “Công trình đào sông ấy rất khó, việc Nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau...”.

Trong thời hiện đại, có một nhà lãnh đạo đã lập lại kỳ tích như Thoại Ngọc Hầu, đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Với tấm lòng thương dân và tầm nhìn của một Thủ tướng, năm 1997, ông đã chỉ đạo xây dựng hệ thống kênh T4, T5, T6, trong đó, kênh T5 dài 48km. Năm 2009, tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt. Vậy là 173 năm sau, kênh Thoại Ngọc Hầu và kênh Võ Văn Kiệt hội tụ tại xã Lạc Quới. 

Đền thờ lưu dấu

Từ thành phố Châu Đốc đi ngược về phường Núi Sam, khu lăng mộ của vị quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu luôn nghi ngút khói hương. Khách thập phương hàng ngày đến viếng và dừng lại thật lâu trước tấm bia đá đặt trong Lăng Thoại Ngọc Hầu. Tấm bia ghi công trạng của ông với 61 dòng, đề cập những chức vụ mà ông nắm giữ thời đó là Trung thủy doanh chánh tiền chi quán thanh châu đạo, Trấn thủ Vĩnh Thanh (Nam Kỳ), Khâm sai thống chế án thủ Châu Đốc đồn lãnh. Khi ông mất, được vua thăng chức là Đô thống gia tiên. 

Đền thờ ông là một gian nhà ngói mộc mạc, mái ngói ống, toàn cảnh đền thờ được bài trí khá giản dị bằng vật liệu chủ yếu là gỗ. Ở giữa gian đền thờ có tấm thiếp với 4 chữ nho được dịch nghĩa là “dân khỏe, vật giàu”. Câu này cũng tương ứng với nghĩa là “dân giàu, nước mạnh”. Một bên bàn thờ để tấm liễn khắc chữ nói về sự ca tụng của người đời với ông: “người sống thọ mùa bội thu; tinh thần thấu đến mặt trời; khí tiết vượt sương”.

Có lẽ, ít có vị tướng nào sau khi mất đi lại được người dân trong vùng chăm sóc mộ phần, hương khói ấm áp quanh năm như Thoại Ngọc Hầu. Tại đền thờ của ông, mộ phần của Thoại Ngọc Hầu cùng người vợ cả là Châu Thị Tế được chôn cất từ năm 1826, bà thứ là Trương Thị Miệt, chôn cất từ năm 1821, hàng ngày luôn có những người đến viếng, kính cẩn nghiêng mình, nhắc lại công đức của ông trong việc khai khẩn phương Nam, đào kênh Vĩnh Tế, vét sông Thoại Hà.

Từ thành phố Châu Đốc bắt xe đến thăm đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở chân núi Sam, mọi người thường đi qua con đường đẹp có tên gọi là Tân Lộ Kiều Nương. Ban đầu, tôi không hiểu đây là tên gọi của nhân vật lịch sử nào. Nhưng sau khi tìm hiểu mới biết rằng, đó là con đường do quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu đốc thúc 4.500 nông dân xây dựng trong 2 năm 1826-1827. Con đường sau 192 năm vẫn hiện hữu và đi vào cuộc sống. Điều đó làm cho tên tuổi Thoại Ngọc Hầu trở nên bất tử.

Dư âm Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu không phải là một triết gia, ông không để lại cho người đời những cuốn sách chứa đựng nhiều câu nói nổi tiếng như Socrates, Plato. Nhưng việc làm của ông cũng để lại nhiều tác động đến nhân cách sống của những người dân ở 2 bên dòng kênh. Đó là đức tính phóng khoáng, sống vì mọi người. 

xnaf_23a
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: Lê Văn Chương

Tại chiếc cầu bắc qua kênh Vĩnh Tế ở phường Vĩnh Ngươn, xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc, ông Trọng, một người dân địa phương chỉ về chiếc cầu bắc qua bờ kênh và nói: “Hồi xưa, ông Thoại Ngọc Hầu lo cho dân, đào con kinh (kênh) này để tưới tiêu, chở lúa gạo thì bây giờ mình cũng phải có công đóng góp. Cây cầu này hô một cái là người ta góp tiền vô liền, đâu có chờ Nhà nước đứng ra làm”. 

Công trình mà ông Trọng nói, đó là cầu Vàm nối giữa đôi bờ kênh Vĩnh Tế, giúp người dân ở phường Châu Phú A và Vĩnh Ngươn đi lại thuận lợi, không còn cảnh ngóng cổ đợi đò. Chiếc cầu này có chiều dài 112m, chiều ngang 3m, chiều ngang thông thuyền dưới chân cầu 42m, ở đầu cầu phải đặt đến 2 tấm bảng để ghi khắc công đức các mạnh thường quân như: Doanh nghiệp tư nhân Như Ý, Công ty TNHH MTV Hạnh Phát, ECI Sài Gòn. Có nhiều đơn vị gửi nhân lực đến đóng góp công sức được khắc vào bia như: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn; cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 511...

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO