Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 03:24 GMT+7

Huyền thoại Điện Biên Phủ

Biên phòng - Đã đọc và nghe nhiều về huyền thoại Điện Biên Phủ, khi tham quan đồi A1 đúng dịp kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được nghe cô hướng dẫn viên du lịch với giọng nói trầm ấm, giới thiệu một cách tổng quan về diễn biến trận đánh, tôi càng thêm khâm phục về chiến công của quân, dân ta trong chiến dịch này. Và tôi đã lặng người đi khi biết rằng, trong chiến thắng chấn động địa cầu ấy, có những câu chuyện đã trở thành huyền thoại...

br6t_7a
Dấu tích hố bộc phá trên đồn A1. Ảnh: Đăng Bảy

"Vĩ tuyến 17" trên đồi A1

Một trong những trận đánh kỳ công nhất của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh chiếm đồi A1, nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía Đông của thung lũng Mường Thanh. A1 là điểm cao cuối cùng về phía Nam khu Đông, gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng Pháp De Castri. Do vậy, bằng mọi giá, ta phải đánh chiếm bằng được mới tạo thế và lực để kết thúc chiến dịch. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đợt tiến công thứ 2.

Chiều tối 30-3-1954, quân ta đã tổ chức tấn công và tiêu diệt nhiều quân địch ở các cao điểm C1, D1, D2, E1, nhưng tại cao điểm A1, ta chỉ chiếm được gần một phần ba. Trên đỉnh đồi, quân Pháp dựa vào chiến hào và công sự kiên cố ra sức chống trả. Chỉ cách nhau chưa tới 150m, thế nhưng cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại cao điểm này diễn ra vô cùng ác liệt với 3 đợt tấn công và một đợt phòng ngự kéo dài 39 ngày đêm (từ ngày 30-3 đến rạng sáng ngày 7-5-1954). Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, do vậy, nơi đây được ví như "vĩ tuyến 17" trên đồi A1.

Sau một thời gian tấn công không hiệu quả, cuối tháng 4-1954, ta dùng khối thuốc nổ nặng gần 1 tấn chia thành 50 gói bộc phá, rồi chuyển theo một đường ngầm dài 47m do công binh ta đào suốt 15 ngày đêm. Theo hướng dẫn viên du lịch Ngô Lai, chỉ riêng quá trình đào đường hầm này đã có gần 300 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh.

Đúng 20 giờ 30 phút, ngày 6-5-1954, ta đã cho nổ khối bộc phá, phá tan hầm chỉ huy kiên cố nhất ở cứ điểm A1 (elian II). Sóng xung kích đã làm cho số quân địch còn lại choáng váng. Tiếng nổ của khối bộc phá cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng của ta ở các hướng đồng loạt xông lên. Đến 4 giờ 30 phút, sáng ngày 7- 5, đại đội 315 và 317, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã đập tan sức kháng cự cuối cùng của địch, làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Trong đêm, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt địch ở cứ điểm 506, một mắt xích quan trọng nằm bên đường 41 dẫn tới Sở Chỉ huy của tướng Pháp De Castri. Ở phía Tây, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311, đưa trận địa tiến công của Đại đoàn vào chỉ còn cách Sở Chỉ huy của De Castri 300m. Và không lâu sau trận đánh này là chiến công chấn động địa cầu, được đánh dấu bởi sự kiện bắt sống tướng De Castri. Căn hầm chỉ huy kiên cố nhất cứ điểm A1 hiện nay vẫn còn. Phía trước nó là một cái hố rất to (nơi ta cho nổ khối bộc phá). Và cách đó khoảng 100m là bia tưởng niệm, đánh dấu sự kiện "vĩ tuyến 17" trên đồi A1.

Những liệt sĩ vô danh

Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 chỉ vài trăm mét về phía Nam, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ của chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Đặc biệt, trên đồi A1 hiện nay vẫn còn một ngôi mộ tập thể vô danh, bên cạnh là chiếc xe tăng của Pháp do chính các liệt sĩ này bắn cháy sáng 1-4-1954.

Hướng dẫn viên du lịch Ngô Lai trầm tư: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có 10 chiếc xe tăng được máy bay đưa lên Điện Biên Phủ. Tại sân bay Mường Thanh, một kíp công binh 25 người của quân Pháp có nhiệm vụ trong 3 ngày phải lắp xong 1 chiếc xe tăng để chống lại sự tấn công của ta. 2 chiếc xe tăng trong số đó đã được đưa lên đồi A1. Nhưng sáng ngày 1-4-1954, một chiếc xe tăng đã bị 4 chiến sĩ ta tiêu diệt bằng súng bazoka. Chiếc còn lại hoảng quá nên tháo chạy. Nhưng rất tiếc là cả 4 chiến sĩ dũng cảm đó (thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) đã anh dũng hy sinh. Năm 1994, khi quy tập hài cốt để đưa về nghĩa trang liệt sĩ thì phát hiện bên cạnh 4 bộ hài cốt vẫn còn khẩu súng bazoka.

wqel_7b
Ngôi mộ tập thể vô danh trên đồi A1, bên cạnh là chiếc xe tăng của Pháp bị bắn cháy. Ảnh: Đăng Bảy

"Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp"

Tư liệu của phía Pháp có ghi: Khi De Castri được thăng hàm Thiếu tướng, tướng Cogny từ Hà Nội gửi điện cho ông ta chúc mừng và thông báo đã gửi quân hàm cấp tướng cùng quà mừng lên Điện Biên Phủ. Nhưng chờ mãi chẳng thấy lon và quà đâu, De Castri đành sai lính cắt vỏ đồ hộp sắt tây làm cho ông ta bộ lon cấp tướng 1 sao để "đeo tạm". Đeo lon tướng được đúng 2 tuần, thì De Castri thất thủ và bị quân ta bắt sống. Vậy thì lon tướng "chính hiệu" và quà mừng của De Castri ở đâu?

Trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử", cố Đại tướng Hoàng Văn Thái kể, có đến trên một phần ba đồ tiếp tế của địch rơi vào trận địa quân ta. Trong vòng một tuần lễ, có một trung đoàn thu được 776 dù hàng tiếp tế của địch. Đặc biệt, các chiến sĩ ta còn nhặt được cả một thùng hàng, trong đó có rượu sâm banh và quân hàm cấp tướng của De Castri mới được phong. Đó là một chiếc dù màu đỏ, phía dưới chiếc hòm sắt, khi mở ra thì thấy toàn những gói quà hảo hạng như xúc xích, khăn mùi xoa, áo may ô và cả hộp dao cạo râu Gillette cùng một lá thư viết trên giấy hồng thơm mùi nước hoa của vợ De Castri từ Hà Nội gửi cho chồng kèm theo quà mừng ông mới được thăng quân hàm. Điều đặc biệt là trong đó có cả quyết định phong cấp và quân hàm cấp tướng của De Castri.

Việc De Castri bị bắt sống tại hầm chỉ huy ngày 7-5-1954 đã đánh dấu sự thất bại thảm hại của quân Pháp trong cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Trước khi được trao trả về Pháp, tướng De Castri đã dành nhiều lời lẽ bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Viên tướng Pháp chia sẻ: "Qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến đấu, chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương". Điều làm De Castri hết sức ngạc nhiên là không biết tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào.

"Sự kiện tướng Giáp chiến thắng ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng quân sự của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng trở thành vị tướng giỏi" -  De Castri cho biết.

Tướng De Castri thú nhận, "tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp". Mãi sau này, De Castri vẫn tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ và kính phục vị tướng tài ba của QĐND Việt Nam.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO