Biên phòng - Là người con của quê lúa Thái Bình, nhưng nhạc sĩ Huy Thông lại gắn bó với mảnh đất Điện Biên từ nhiều năm nay. Đắm mình trong văn hóa vùng Tây Bắc đã là nguồn cảm hứng để anh sáng tác nhiều ca khúc có giá trị về mảnh đất này bằng tình yêu và trách nhiệm, bằng sự thổn thức của con tim mình.

Nhạc sĩ Huy Thông sinh năm 1972, tại thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh theo học Trường Trung cấp Sư phạm nhạc họa Thái Bình. Cơ duyên với vùng đất Tây Bắc khi anh lên Điện Biên giao lưu và được nghệ sĩ Vương Khon, Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên mời về làm việc tại đoàn. Sẵn sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng cảm nhận cái đẹp về con người nơi đây với nền văn hóa giàu bản sắc, không khí trong lành nên anh đã nhận lời.
Thế rồi, tình yêu với con người và văn hóa nơi đây khiến anh rung cảm và anh gắn bó với mảnh đất này đến nay đã 26 năm. Từ làm nhạc công (trong 7 năm), anh may mắn được nghệ sĩ Vương Khon định hướng cho đi học sáng tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Sau những chuyến đi công tác, được sinh hoạt cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, anh đã dần thẩm thấu và yêu thích âm nhạc của họ từ lúc nào không hay. Chính vì vậy, anh đi theo dòng cảm xúc để viết các ca khúc mang âm hưởng dân tộc Tây Bắc.
Trong thời gian học sáng tác, anh đã viết một số bài hát như: “Em gái rừng ban” (phổ thơ Lâm Thảo), “Em gái Mông xuống chợ”, “Hương sắc vùng cao”... Càng về sau có nhiều chất liệu thực tế, anh càng sáng tác mạnh dạn hơn. Những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc vùng cao trình diễn trong nhiều cuộc giao lưu tại cơ sở đã trở thành nguồn cảm hứng để anh sáng tác bài “Về miền hoa ban” mang bản sắc dân tộc Thái. Những ca từ dễ nhớ, nhịp điệu nhịp nhàng đã khiến bài hát được nhiều bản làng và cộng đồng khách du lịch khi tới thăm mảnh đất Điện Biên bị cuốn hút. Cũng chính “Về miền hoa ban” đã ghi dấu ấn đậm nét và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp hơn 20 năm sáng tác của anh.
Chia sẻ về ca khúc này, nhạc sĩ Huy Thông nhớ lại: “Đề tài về hoa ban thì có không ít người đã viết. Bản thân tôi cũng đặt bút sáng tác về hoa ban rất nhiều. Nhưng để có một tác phẩm thực sự chất lượng và có dấu ấn thì không đơn giản. Và chắc chắn nó phải là một quá trình tích lũy, cả về kiến thức và sự hiểu biết. Cho đến khi chín muồi, chỉ cần cảm xúc nữa để thăng hoa với nó. Ðó là lý do mặc dù tôi đã lên được ý tưởng, gọi được cái tên, nhưng phải 4 năm sau mới đặt bút viết và khi viết thì chỉ mất đúng một đêm thức trắng”.
Hay bài “Áo cóm yêu thương” bằng những câu từ rất mộc mạc và dung dị đã làm toát lên vẻ đẹp, trang phục của người phụ nữ Thái. Bài hát nói lên lòng tự hào của người dân tộc Thái đi đâu cũng giữ nét truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là cách họ bảo tồn văn hóa dân tộc. Cũng qua tác phẩm “Áo cóm yêu thương”, tác giả muốn nhắn gửi đến đồng bào Thái là hãy giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc của mình.
Sau hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Huy Thông đã có hàng trăm tác phẩm nhưng chỉ có khoảng 150 tác phẩm được anh giới thiệu đến công chúng. Anh tâm sự: “Người làm nghệ thuật không nhất thiết và cũng không nên chạy theo số lượng. Cả cuộc đời, chỉ cần một tác phẩm được công chúng đón nhận, yêu thương và có thể ngân nga hát theo là hạnh phúc lắm rồi”.
Nhưng đó là cách nói khiêm tốn của anh, còn thực tế, trong kho thành tích đến ngày hôm nay, anh đã có trong tay gần 10 giải thưởng quốc gia và khu vực, trong đó có thể kể đến như: Giải A tại Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 khu vực Tây Bắc với bài “Áo cóm yêu thương”; giải A tại Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Bắc năm 2013 với bài “Về miền hoa ban”; Giải B Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018 với bài hát “Khăn piêu nhớ thương”...
Chia sẻ thêm về các sáng tác, nhạc sĩ Huy Thông nói: “Tôi mến thương mảnh đất, con người Điện Biên. Tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho Tây Bắc và có nhiều tác phẩm về nơi này, nhưng tôi vẫn chưa sáng tác được ca khúc nào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Tôi vẫn nợ quê hương một ân tình và vẫn đang đau đáu tìm chất liệu để sáng tác một ca khúc dành tặng quê hương như đã hứa với bạn bè và người thân”.
Từ những sáng tác, khán giả đã biết tới một nhạc sĩ đầy trách nhiệm, nhân văn và trữ tình. Còn về cuộc sống riêng, anh cho biết, năm 2017, vợ anh - cố Nghệ sĩ Ưu tú Thái Hằng đã bỏ lại anh và 2 cô con gái để về thế giới bên kia. Trong dòng cảm xúc về gia đình, anh dành rất nhiều lời khen ngợi cho người vợ của mình. Chính chị là nguồn cảm hứng sáng tác, đồng thời là người gắn bó trong chuyên môn nghề nghiệp.
Với tinh thần lạc quan, anh vẫn lấy công việc chuyên môn làm nguồn vui để sáng tác và thời gian đó, anh đã liên tiếp sáng tác những ca khúc như “Áo cóm yêu thương” và “Khăn piêu thương nhớ” lấy cảm hứng từ những lần anh chứng kiến hình ảnh người vợ sử dụng khăn piêu, áo cóm biểu diễn.
Sau 26 năm, giờ nghĩ lại, nhạc sĩ Huy Thông bảo, ngày đó chạm bước chân tới Tây Bắc là mối duyên lành khởi đầu cuộc sống mới của anh. Giờ đây, anh có thể tự tin nói rằng: Nơi này chính là quê hương của mình. Bởi thế, dễ dàng nhận thấy, trong bất cứ ca khúc nào của anh, người ta đều thấy có một chất liệu rất riêng, mang đậm âm hưởng của mảnh đất, con người Ðiện Biên, đặc biệt là dân tộc Thái. Đó như là cách để anh tri ân mảnh đất mến yêu này.
Ngô Khiêm