Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, giúp dân khắc phục hậu quả bão số 9

Biên phòng - Trưa ngày 28-10, bão số 9 với gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 đổ bộ vào đất liền đã gây hậu quả nghiêm trọng cho tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Gió mạnh và mưa lớn khiến hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái, lũ trên một số sông lên cao gây ngập lụt, chia cắt một số khu vực. Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất do mưa lớn khiến nhiều người bị vùi lấp. Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả mưa bão, thực hiện tìm kiếm cứu nạn người dân bị mất tích.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi trục vớt tàu thuyền của ngư dân bị chìm do bão số 9. Ảnh: Văn Tánh

Hoàn lưu bão số 9 gây thiệt hại nặng nề

Đến chiều ngày 29-10, bão số 9 và sạt lở đất đã khiến 20 người chết và 42 người mất tích, 51 người bị thương; 227 nhà dân bị sập, hơn 88.000 ngôi nhà khác bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, có 31 trụ sở, cơ quan bị tốc mái, hư hỏng; 49 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng, hơn 6.600 cây xanh bị gãy đổ...

Hệ thống giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ, trong đó, 1 cầu treo tại tỉnh Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông 14 điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum, 5 điểm tại tỉnh Quảng Nam. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km 1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Bão số 9 cũng gây thiệt hại nặng nề cho ngành điện lực, trong đó có 106 cột điện bị gãy đổ, đường dây trung thế của tỉnh Phú Yên bị đứt. Đến 7 giờ, ngày 29-10, còn 718 xã bị mất điện. Về tàu thuyền, đến sáng ngày 29-10, có 13 tàu cá bị chìm.

Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, có 165 nhà bị sập, 84.449 nhà bị tốc mái. Mưa lớn gây ngập lụt 1-2m tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu thuộc các huyện và thành phố Quảng Ngãi. Địa phương này đã phải sơ tán 6.081 nhà/16.829 người ở khu vực ngập sâu đến nơi an toàn. Ngập lụt gây chia cắt 2 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và một số khu vực trũng thấp.

Để ứng phó với bão số 9, các đơn vị BĐBP từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã thành lập 14 đoàn công tác, điều 1.851 cán bộ, chiến sĩ/16 phương tiện phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng giúp dân di dời 11.164 hộ/48.380 khẩu, đưa 734 phương tiện nhỏ, thúng, chai lên bờ, chằng chống gia cố 1.967 nhà; hỗ trợ 1.587 người dân vào các đơn vị tránh bão; sử dụng 5.600 bao cát chắn sóng tại đê, kè biển.

Do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9 giờ, ngày 28-10, địa bàn tỉnh Quảng Nam có gió mạnh từ cấp 8-10. Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300mm. Mưa lớn, đất ngấm no nước, kết cấu địa chất yếu đã khiến khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở đất trong 2 ngày qua, làm gần 70 người bị vùi lấp. Cụ thể, tối ngày 28-10, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 11 hộ dân (49 người), trong đó, 4 người may mắn thoát nạn. Vụ sạt lở tại xã Trà Vân khiến 8 người bị vùi lấp, lực lượng tại chỗ đã tìm thấy thi thể 8 nạn nhân. Ngoài ra, tại huyện Phước Sơn có 2 cán bộ cũng bị vùi lấp.

Ngay trong tối 28-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện cho các cơ quan có liên quan tập trung khẩn trương cứu hộ, cứu nạn người dân bị sạt lở vùi lấp. Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích. Sáng 29-10, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới huyện Bắc Trà My (cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 50km) – nơi lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác cứu hộ.

Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, tình hình rất phức tạp và yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “4 tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào. “Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt, đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Theo thông tin mới nhất, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người, trong đó có 16 người bị thương. Hiện, các lực lượng đã tìm được 6 thi thể, vẫn còn 14 người mất tích. Lực lượng chức năng đang tính đến phương án sử dụng chó nghiệp vụ BĐBP để tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại Nam Trà My.

Chiều ngày 28-10, xảy ra vụ sạt lở đất tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm 11 người dân bị chôn vùi, trong đó có 3 thi thể đã được tìm thấy. Hiện tại, chính quyền huyện Phước Sơn đã dẫn đoàn cứu hộ tìm mọi cách tiếp cận hiện trường nhưng hết sức khó khăn.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giúp dân khắc phục hậu quả

Sáng ngày 29-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sau bão. Trong đó, các cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với các lực lượng đưa 500 người dân của thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ đến tránh trú tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trở về nhà an toàn. Ngoài ra, các đồn Biên phòng cũng đã phối hợp với địa phương đưa hàng trăm người dân đến tránh trú tại đơn vị trở về nhà sau bão.

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa nhà, tổ chức chặt, phát quang cây cối bị ngã, gây ách tắc giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch, kịp thời đảm bảo cho bà con đi lại thuận tiện. Được biết, trước bão, BĐBP Quảng Nam đã điều 575 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương tổ chức kéo trên 200 phương tiện tại các bãi ngang lên bờ tránh bão, di dời 4.182 hộ/16.146 khẩu đến nơi an toàn; hỗ trợ 1.230 người dân vào đơn vị tránh bão; đưa 12 người trên tàu vận tải VTB 168 neo đậu tại cảng Dung Quất lên bờ, cưỡng chế 6 người trên tàu vào bờ tránh bão.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi giúp người dân lợp lại nhà bị tốc mái do bão số 9. Ảnh: Văn Tánh

Theo thông tin sơ bộ, bão số 9 không trực tiếp đổ bộ vào Bình Định nhưng đã gây ảnh hưởng nặng nề cho địa phương này, nhất là các xã khu vực biên giới biển. Đã có hơn 2.900 nhà bị sập, tốc mái, nhiều cây xanh, trụ điện bị đổ, gãy; 2 tàu vỏ sắt và 13 thuyền thúng bị trôi dạt... Trước tình hình đó, sáng ngày 29-10, các đơn vị Biên phòng kịp thời cử hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng ở địa phương xuống địa bàn giúp đỡ nhân dân sửa chữa, chằng chống lại nhà cửa, lợp lại mái nhà, dọn dẹp cây cối bị đổ gãy và vệ sinh đường sá, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống sau bão.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về nhà cửa do bão số 9, các đơn vị Biên phòng đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện giúp nhân dân dọn nhà cửa, trục vớt tàu thuyền bị chìm, cưa dọn cây cối ngã đổ để thông tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhóm PV - CTV

Bình luận

ZALO