Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Biên phòng - Huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là địa phương có lợi thế kinh tế biển. Trong những năm qua, Hoài Nhơn được coi là điểm sáng của Bình Định trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo. Nhân dịp sơ kết 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019, phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn đồng chí Phạm Trương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Nhơn về kết quả cũng như kinh nghiệm triển khai thực hiện của địa phương.

xemt_12a
Đồng chí Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn. Ảnh: Bích Nguyên

Xây dựng những “cột mốc sống” trên biển

P.V: Hoài Nhơn được đánh giá là địa phương tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đồng chí có thể  chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này của địa phương?

Đ/C Phạm Trương: Ban thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16 về khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đến nay, toàn huyện có 2.450 tàu cá, trong đó, bình quân mỗi ngày có khoảng 400 tàu cá với 3.500 ngư dân Hoài Nhơn có mặt tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1 để đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tôi cho rằng, đây là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực sự là những “cột mốc sống” trên biển. Trên tuyến bờ, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự thông qua huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó, lấy đồn Biên phòng làm nòng cốt trên toàn tuyến.

Thực hiện những chủ trương đó, thông qua công tác tuyên truyền, chúng tôi đã đạt được những kết quả nổi bật: Nhận thức của người dân, cán bộ, đảng viên, nhất là ngư dân được nâng lên rõ rệt; số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm 80% và chúng tôi phấn đấu chấm dứt tình trạng này vào đầu năm 2019. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng được lực lượng nòng cốt trên biển với trên 1.200 hội viên, để khi có sự việc xảy ra sẽ thông báo với đồn Biên phòng và chính quyền kịp thời giải quyết. Tới đây, Huyện ủy chủ trương xây dựng các đội Dân quân thường trực trên bờ tại các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Riêng trên biển, chúng tôi biên chế 465 Tổ đoàn kết khai thác, mỗi tổ có 3-6 tàu, vừa đánh bắt, vừa nắm bắt tình hình trên biển. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng các đồn Biên phòng phối hợp với các ngành liên quan, doanh nghiệp xây dựng, hỗ trợ nhà ở cho gia đình khó khăn, neo đơn, thương binh. Đến nay, chúng tôi đã xóa được nhà ở đơn sơ. Qua hoạt động này góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới biển.

P.V: Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo; huyện Hoài Nhơn xây dựng những mô hình nào nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân trong việc bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo cũng như đoàn kết phát triển kinh tế, thưa đồng chí?

Đ/C Phạm Trương: Bên cạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi đã xây dựng các mô hình tự quản an ninh trật tự như: Tổ tàu thuyền an toàn, Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, Bến bãi an toàn... Thành công lớn nhất là huyện Hoài Nhơn đã phát triển mạng lưới Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt thủy sản trên biển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ban đầu, chúng tôi chỉ có 200 Tổ tàu thuyền an toàn; hiện giờ tăng lên 500 tổ, với số lượng tàu, thuyền chiếm khoảng 70% số tàu của toàn huyện. Thông qua đó giúp cho việc nắm thông tin tốt, kịp thời và hiệu quả hơn.

P.V: Thưa ông, chúng tôi được biết, thời điểm này, ngư dân gặp khó khăn do ngư trường thu hẹp, giá cả thu mua bấp bênh... Vậy, địa phương có hỗ trợ gì để tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo?

Đ/C Phạm Trương: Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm đến việc đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới biển, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa; tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ về kỹ thuật thuyền trưởng, máy trưởng để tránh rủi ro trên biển. Chúng tôi cũng phối hợp chỉ đạo các ngân hàng tập trung cho vay vốn ưu đãi lãi suất đối với các trường hợp cải hoán tàu, sắm ngư lưới cụ hiện đại, khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư đánh bắt xa bờ.

Lo cho Biên phòng chính là lo cho người dân

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết, BĐBP có vai trò như thế nào trong công tác xây dựng nền biên phòng toàn dân cũng như tham gia công tác an sinh xã hội của địa phương?

Đ/C Phạm Trương: Địa bàn huyện Hoài Nhơn có Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đứng chân. Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá rất cao các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ. Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã nắm bắt tình hình, tham mưu chính xác và kịp thời cho Huyện ủy giải quyết các vấn đề phát sinh. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên tuần tra trên biển, tiếp cận nắm tình hình ngư dân khá tốt nên tạo được niềm tin trong nhân dân. Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam còn giúp người dân phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, thu hoạch mùa màng...; đồng thời, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội như xây nhà, tặng quà tết cho người nghèo, chăm lo gia đình chính sách, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Người dân rất tin tưởng BĐBP vì khi người dân cần, cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, đồng cam cộng khổ với nhân dân.

imdl_12b
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam cùng lãnh đạo xã Hoài Hải kiểm tra tủ sách pháp luật cho người dân trong xã.  Ảnh: Phương Oanh

P.V: Thưa đồng chí, huyện Hoài Nhơn có chủ trương gì để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Đ/C Phạm Trương: Chủ trương của Huyện ủy Hoài Nhơn từ trước tới nay là: “Lo cho BĐBP chính là lo cho người dân của chính xã biển mình”. Về mặt chính sách, UBND huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho Đồn Biên phòng Tam Quan Nam nói riêng và BĐBP nói chung.

P.V: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, Huyện ủy sẽ triển khai những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo gì để tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh?

Đ/C Phạm Trương: Chúng tôi sẽ giữ gìn, phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, tạo thành nếp đi vững chắc. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa đồn Biên phòng với Đảng ủy các xã biển và nhân dân, đặc biệt là ngư dân. Duy trì việc trao đổi thông tin thông suốt, từ Đảng ủy, UBND xã, tới Huyện ủy, UBND huyện, đồn Biên phòng các xã ven biển theo định kỳ hàng tháng, hàng quý. Ngoài ra, chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, chiến đấu, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

-P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Oanh - Bích Nguyên (Thực hiện)

Bình luận

ZALO