Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Huy động nguồn tiền trong dân

Biên phòng - Đề xuất của Bộ Tài chính về phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ nhằm huy động 180.000 tỉ đồng trong dân trong 2 năm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Dù phương án này không hoàn toàn mới, nhưng việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, thay vì cất trữ và đầu tư vào vàng, sẽ được người dân ủng hộ khi có các chính sách thu hút hợp lý. Bên cạnh đó, cần chặn dòng tiền chảy sang các lĩnh vực rủi ro cao.

Giới chuyên gia tài chính nhìn nhận rằng, phương án trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn thì đầu tư Nhà nước lại bị thu hẹp mạnh, chống đỡ chủ yếu lại đến từ đầu tư tư nhân. Thực tế, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 0,4% nhờ khu vực tư nhân tăng 3,9% trong khi vốn đầu tư từ ngân sách giảm 6,9% và vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ giảm 56,8%.

Giải pháp huy động tiền trong dân để có thêm nguồn tiền cho chương trình hỗ trợ quy mô lớn phục hồi nền kinh tế trước tác động của Covid-19, được cho là có cơ sở khi các dữ liệu của ngành ngân hàng cho thấy người dân đang nắm giữ hàng triệu tỉ đồng tiết kiệm và con số này tiếp tục tăng mạnh theo từng năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9-2021, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng là hơn 5,29 triệu tỉ đồng, tăng 2,92% so với cuối năm 2020 bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục đi xuống trong 2 năm gần đây. Ngoài nguồn tiền gửi ngân hàng, ước tính người dân Việt Nam còn đang sở hữu khoảng 500 tấn vàng. Đây là một lượng vốn rất lớn và có ý nghĩa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, nếu huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân là lợi thế vô cùng to lớn của Việt Nam khi chủ động được nguồn vốn giá rẻ cho phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, dường như chúng ta đã bỏ qua mất lợi thế này. Phần lớn số tiền nhàn rỗi Nhà nước huy động được đang được Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng, ước tính lên đến 700 nghìn tỉ đồng. Nếu 50% số tiền nhàn rỗi này được giải ngân thì đã lớn hơn số tiền cần thiết để kích thích kinh tế dự kiến thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Số liệu giải ngân đầu tư công trong 10 tháng chỉ đạt 55,8% kế hoạch cũng phản ánh sự ách tắc trong kênh vốn quan trọng này.

Mặt khác, từ dấu hiệu giảm sút của nguồn tiền gửi dân cư vào các ngân hàng trong 2 năm qua (tăng trưởng tiền gửi dân cư năm 2020 chỉ đạt 4% và hết 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 2,92%), cho thấy Chính phủ cần sớm có chính sách thu hút nhằm ngăn dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy vào các kênh đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro và không mang lại hiệu quả thực chất cho nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm chỉ biến động quanh mức 0,8-1,1% cùng với việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn do tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế gặp khó khăn là yếu tố khiến nhiều người chuyển sang kênh đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bất động sản, mua vàng...

Do vậy, để các giải pháp huy động nguồn vốn trong dân cư khả thi và đạt hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các điều chỉnh hợp lý, đặc biệt việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút nhiều hơn nữa tiền gửi từ dân cư.

Mặt khác, để thuyết phục người dân sẵn sàng mang vốn từ trong “két” ra để đầu tư, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); công khai và kêu gọi các lĩnh vực cần người dân tham gia đầu tư, không chỉ giới hạn đầu tư cơ sở hạ tầng mà mở rộng sang đầu tư các dự án công, đồng thời đảm bảo an toàn về vốn, tài sản cho người dân và sử dụng vốn của người dân có hiệu quả.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO