Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Huy động mọi nguồn lực quốc tế giúp nhân dân miền Trung khắc phục hậu qủa mưa lũ

Biên phòng - Sau gần 2 tháng hứng chịu mưa lũ lịch sử, 9 tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại nặng nề về con người và cơ sở vật chất hạ tầng. Nhằm giúp người dân miền Trung sớm phục hồi kinh tế, các tổ chức quốc tế thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành đã gửi tới người dân miền Trung các gói viện trợ khẩn cấp, trang thiết bị bảo hộ, sản phẩm dinh dưỡng...

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký kết thỏa thuận viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung. Ảnh: CTV

Hỗ trợ tài chính khôi phục sản xuất

Năm 2020 là năm thiên tai khủng khiếp, đặc biệt từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11 vừa qua. Trong khoảng thời gian rất ngắn, toàn bộ miền Trung bị ảnh hưởng bởi 9 cơn bão, 2 cơn áp thấp, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó 235 người chết và mất tích.

Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ 16.000 tấn gạo, các thiết bị phục vụ cho đời sống dân sinh nhằm từng bước phục hồi đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Các tổ chức và toàn thể nhân dân cùng khơi dậy phong trào thiện nguyện sâu rộng trên cả nước cùng hướng về miền Trung.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế đã có những hành động thiết thực giúp đỡ Chính phủ Việt Nam tái thiết cuộc sống, khôi phục sản xuất tại các tỉnh miền Trung thông qua các gói hỗ trợ tài chính và trang thiết bị thiết yếu… Trong đó, Ngân hàng Châu Á (ADB) đã đồng ý cung cấp khoản viện trợ 2,5 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân miền Trung từng bước khôi phục đời sống sinh hoạt và sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.

Khoản viện trợ này được trích từ Quỹ Ứng phó Thảm họa Châu Á - Thái Bình Dương của ADB, được thành lập nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Việc khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành và những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ, ngập lụt cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và ADB hiện đang phối hợp xem xét đề xuất Chính phủ phê duyệt một khoản vay hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng trong đó ưu tiên những công trình quan trọng nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. ADB cũng đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong công tác hỗ trợ khẩn cấp.

Lan tỏa tinh thần chia sẻ

Thấu hiểu những khó khăn mà nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang phải vượt qua, với tinh thần chia sẻ, Chính phủ Hàn Quốc đã kịp thời hỗ trợ gói tiền mặt trị giá 300.000 USD để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào miền Trung.

Ông Park Noh-Wan, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, đây là một những trường hợp hiếm khi Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng quyết định ủng hộ 300.000 USD cho các tỉnh miền Trung Việt Nam. Điều này thể hiệp quan hệ hợp tác tốt đẹp, bền chặt giữa hai nước. Ông Park Noh-Wan chia sẻ mong muốn các tỉnh miền Trung Việt Nam sớm khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, Chính phủ Mỹ cũng đã cam kết cung cấp khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 2,1 triệu USD từ chính phủ Mỹ dành cho những người bị ảnh hưởng của lũ lụt tại Việt Nam lên tới 2,1 triệu USD. Với khoản ngân sách mới này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ tăng cường các nỗ lực đáp ứng nhu cầu khẩn cấp tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đợt bão lịch sử tại Việt Nam.

Cùng với các chính phủ, các tổ chức quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã có những hành động cứu trợ khẩn cấp cho người dân miền Trung. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết, dịp cuối tháng 10-2020, UNICEF đã phân bổ 100.000 USD ban đầu để hỗ trợ khẩn cấp về nước, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, y tế, dinh dưỡng và giáo dục, cũng như hỗ trợ tâm lý xã hội và bảo vệ trẻ em.

Trong công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp do bão lũ tàn phá miền Trung Việt Nam, UNICEF đang thực hiện các hoạt động nhằm cứu trợ trẻ em và phụ nữ dễ bị tổn thương sống trong các khu vực bị ảnh hưởng. UNICEF đang đặt mua với tổng khối lượng 60 tấn sản phẩm dinh dưỡng điều trị và sẽ chuyển về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Loại sản phẩm này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được sản xuất dưới dạng bánh quy mềm để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và vi chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm mục đích điều trị giúp trẻ thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính mức độ nặng.

Sản phẩm dinh dưỡng điều trị thiết yếu này sẽ được phân phối đến các trung tâm y tế xã thông qua Viện Dinh dưỡng Quốc gia. UNICEF đang phối hợp với chương trình dinh dưỡng của Chính phủ và các cơ quan tổ chức khác để tiếp cận tất cả trẻ em đang có nhu cầu, UNICEF sẽ ưu tiên cung cấp sản phẩm dinh dưỡng điều trị tới trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng nhất, và đảm bảo các em nhận được trong thời gian sớm nhất. Ước tính có hơn 4.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam sẽ được nhận được sự hỗ trợ này hàng ngày trong ba tháng tới.

Ngày 27-11-2020, 10 tấn thực phẩm điều trị suy dinh dưỡng ăn liền (RUTF) đã được chuyển đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội và sẽ được phân phát tới trẻ em. Đây là một trong những hoạt động ứng phó của UNICEF trong tình huống khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng sống trong vùng bị bão lũ tàn phá ở miền Trung Việt Nam.

“ADB cùng 32 thành viên tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam hơn 21 triệu USD. Sự hỗ trợ kịp thời này rất cần thiết đối với người dân và Chính phủ Việt Nam, không chỉ là giá trị vật chất mà còn lan tỏa giá trị tinh thần và sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam”. - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.

Ước tính có 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại 9 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ đang bị suy dinh dưỡng cấp tính tại thời điểm này, và tình hình của các em có thể trở nên xấu hơn trong bối cảnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị gián đoạn trên toàn khu vực.

Bà Rana Flowers cho biết: “Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, chúng ta cần chuyển ngay sản phẩm dinh dưỡng điều trị tới các cán bộ y tế tuyến đầu ở các xã để điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Trong bối cảnh suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều gia đình trong khu vực này đã phải chật vật để có đủ 3 bữa ăn dinh dưỡng mỗi ngày và các trận bão lũ đã làm cho tình trạng của họ càng thêm nghiêm trọng.”

Theo bà Rana Flowers, trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt thiên tai xảy ra gần đây tại Việt Nam. UNICEF đang phối hợp với các đối tác để cứu trợ khẩn cấp trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng ở miền Trung Việt Nam, ưu tiên việc tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, hỗ trợ tâm lý - xã hội, và bảo vệ trẻ em.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO