Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Hút FDI vào nông nghiệp

Biên phòng - Trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, quý IV-2020, xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn ước đạt trên 10 tỷ USD, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 40 tỷ USD.

Nông nghiệp đang giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thế nhưng lĩnh vực này chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bứt phá. Cụ thể, năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp (ngành hàng nông, lâm, thủy sản) chỉ chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đến hết năm 2019, có 4.028 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 38,95 tỷ USD nhưng chỉ có khoảng 1,61% số dự án và 3,5 tỉ USD đổ vào nông nghiệp. Trong khi nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản là 16%, buôn bán lẻ là 2,24%, xây dựng là 2,86%...

Kết quả này trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam - quốc gia luôn nằm trong tốp 5 các nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản... và gần chục mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD/năm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp FDI khó tiếp cận đất nông nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; các dịch vụ hỗ trợ logistic và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Thực tế, với quy định doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chưa được thuê đất nông nghiệp trực tiếp của hộ dân, cũng không được sử dụng đất thuê này làm tài sản thế chấp vay vốn,dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai, việc hình thành diện tích đất có quy mô đủ lớn để thực hiện dự án là không thể. Chưa kể, một số địa phương nếu có quỹ đất thì ưu tiên cho việc quy hoạch khu công nghiệp vì sẽ tạo ra nguồn thu trong khi thu hút nông nghiệp thuộc lĩnh vực ưu đãi miễn giảm thuế cho nhà đầu tư.

Mặt khác, đất sản xuất hiện nay chủ yếu do nông dân nắm giữ, phân tán, nhỏ lẻ, không thể tạo ra vùng chuyên canh, nên doanh nghiệp FDI nào muốn có vị trí đất mình ưng ý thì phải trả tiền mua đất cho nông dân, sau đó giao lại đất cho Nhà nước rồi Nhà nước cho thuê lại. Trong khiđầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất thì Nhà nước giải phóng mặt bằng rất nhanh, cấp diện tích đất lớn, nhưng đầu tư vào nông nghiệp thì không được như vậy.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Mỹ, EU mong muốn sang Việt Nam đầu tư trồng lúa, rau quả, cần vùng đất rộng lớn, đất sạch nhưng lại gặp khó khăn về quỹ đất. Ngoài ra, chất lượng nguồn lao động tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới không sử dụng lao động phổ thông mà là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Đáng lo ngại là môi trường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi các thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài. Đơn cử,thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới ở nước ta mất tới 901 ngày, trong khi Philippines chỉ mất 571 ngày và Myanmar chỉ mất 306 ngày. Các thủ tục như đăng ký giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, khảo nghiệm, đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu sản phẩm, tiếp cận nguồn tín dụng... cũng mất nhiều thời gian, làm giảm sức hút đầu tư của nông nghiệp Việt Nam.

Rõ ràng, để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta phải giải quyết dứt điểm các “rào cản” trên. Đặc biệt, Nhà nước cần có những chính sách cởi mở hơn để các vùng, các địa phương triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khu nguyên liệu, chăn nuôi tập trung và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu, có thể thí điểm cho doanh nghiệp FDI liên kết với nông dân, hợp tác xã thuê đất ngắn hạn, từ 3-5 năm.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO