Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Hướng về nguồn cội

Biên phòng - “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Câu ca ấy bao đời nay đã in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Với mỗi người dân đất Việt, dù ở nơi đâu trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, cứ đến ngày Giỗ Tổ 10-3 âm lịch, hàng chục triệu người con lại cùng nhau hướng về nguồn cội, về Đền Hùng, Giỗ Tổ Hùng Vương với một lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành giá trị văn hóa vững bền được trao truyền qua hàng nghìn thế hệ.

t82d_5a
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc chúc văn tại lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: Hoàng Quý

Tưởng nhớ công lao các Vua Hùng

Từ bao đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng - nơi phát tích cội nguồn của dân tộc, luôn là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng", một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để gắn kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, là ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 10-3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012).

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”. Dân tộc Việt Nam cùng có chung một nguồn cội, chung một dòng máu Lạc Hồng, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng. Với sự hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ, mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mãi trường tồn cùng dân tộc

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong thời điểm cả nước căng mình “chống dịch như chống giặc”, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2020 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương” quy mô cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ điều chỉnh quy mô, hoạt động của lễ Giỗ Tổ. Đó là chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, rút gọn nghi lễ dâng hương nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm, thành kính và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19. Lễ dâng hương không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, hạn chế đại biểu tham dự để tránh việc tập trung đông người. 

Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Y tế bảo đảm các quy trình phòng, chống dịch Covid-19, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã được tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, bố trí phát khẩu trang, nước sát trùng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đăng trên các phương tiện, gửi về các địa phương để người dân dù không tham gia được ngày Giỗ Tổ hiểu được giá trị, ý nghĩa thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu năm nay được tổ chức trực tuyến đã gắn kết cộng đồng người Việt xa xứ với khối đại đoàn kết dân tộc. 

Sáng 2-4 (tức ngày 10-3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước. Dự Lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thời khắc thiêng liêng, các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân và tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc để ngày nay, con cháu các Vua Hùng tiếp tục xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh; cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước bình an, phát triển vững mạnh, hùng cường.

Chưa năm nào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng lại thưa vắng du khách thập phương nô nức đổ về trảy hội, song, trong một bối cảnh chưa từng có như vậy, sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt vẫn luôn thắp nén tâm nhang hướng về nguồn cội, nơi đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn sương khói để tri ân công đức tổ tiên. Với dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ mãi trường tồn và lan tỏa, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để toàn dân tộc chiến thắng đại dịch.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO