Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Hướng về đất nước hùng cường

Biên phòng - Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Qua đó, xác định các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế; tổ chức không gian theo vùng và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia…

Ảnh: minh họa

Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

Trong đó, Quy hoạch tổng thể xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến.

Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế.

Hình thành các trung tâm logistics quy mô, hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Phát triển các trung tâm du lịch có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực, các hành lang kinh tế...

Đặc biệt, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.

Các đại biểu Quốc hội khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là một công cụ quan trọng để quản trị phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các quy hoạch quốc gia khác, cũng như quy hoạch phát triển của các ngành, của các địa phương.

Đánh giá cao 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện trong Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính vĩ mô, đột phá, nhiều chuyên gia đề nghị, các giải pháp thực hiện cần cụ thể hoá các định hướng, giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Cụ thể, về giải pháp về huy động vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.

Thế nên, các chuyên gia kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Đồng thời, qui hoạch tổng thể về y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực toàn diện trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO