Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Hướng tới xã hội không tiền mặt

Biên phòng - Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền nền kinh tế số.

Ảnh minh họa.

Được xác định có mức độ sẵn sàng cao trong các ngành, lĩnh vực, có ảnh hưởng hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số.

Các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý.

Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua mã QR tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021. Đến nay, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, TTKDTM tại Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Hạ tầng cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật và môi trường pháp lý phục vụ cho hoạt động TTKDTM ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

Thực tế, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Hơn 30% người Việt Nam trưởng thành chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều người chưa được tiếp cận những dịch vụ ngân hàng cơ bản. Bởi họ không có lịch sử tín dụng hoặc không đáp ứng được các yêu cầu của dịch vụ ngân hàng và chi nhánh ngân hàng chưa có mặt tại nơi họ sinh sống.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ về hệ thống TTKDTM, đặc biệt là dịch vụ công.

Việc giúp nhóm đối tượng trên tiếp cận và thực hiện thanh toán số là một trong những điểm rất quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Rõ ràng, chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Để đạt mục tiêu đưa toàn bộ hoạt động người dân lên môi trường số, thúc đẩy người dân tiêu dùng trên môi trường số, ngành ngân hàng cần xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh, an toàn.

Chỉ khi có sự kết hợp và tích hợp giữa hệ thống ngân hàng và các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế thì chúng ta mới sớm hoàn thành mục tiêu xã hội không tiền mặt.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO