Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân

Biên phòng - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, vận dụng linh hoạt,  sáng tạo và đã đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt. Điều đó góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ ngày càng được mở rộng đến mọi người dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống tuyên truyền cho người dân về chính sách bảo hiểm y tế. Ảnh: CTV

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4-2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người, tăng hơn 500.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Con số này cho thấy, sau khi triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đã góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng và tạo động lực tốt hơn trong việc chăm lo an sinh xã hội đến mọi người dân.

Đến nay, trên cả nước có hơn 12.400 đại lý BHXH, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý. Hệ thống đại lý thu BHXH được phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, diện bao phủ BHXH không ngừng tăng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng, nhất là về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với số lượng các đại lý và các điểm thu không ngừng phát triển, số người tham gia BHXH đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trên tinh thần vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch. Kết quả, trong năm 2020, cả nước có 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp đôi so với năm 2019 và đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao.

Chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2021, nông dân và người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động, nhưng trong năm 2020, BHXH đã vượt chỉ tiêu được giao. Có thể thấy, cùng với việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động thấy rõ lợi ích khi tham gia BHXH thì việc kịp thời thay đổi, điều chỉnh chính sách BHXH tự nguyện đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người tham gia.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 28 đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH.

Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến người lao động khu vực chính thức, mà còn đặc biệt chú trọng đến người lao động là nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, đây là “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần cải cách chính sách trước đây. Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực mà ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua, góp phần phát triển thêm nhiều người dân được tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước.

Mặc dù đã đạt được những đột phá nhưng thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn những hạn chế nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Hiện nay, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thật sự trở thành lưới an sinh bao phủ toàn dân. Muốn vậy, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28.

Cụ thể, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (chế độ ốm đau, thai sản...) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức, viên chức cơ quan BHXH, đại lý thu; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm..., góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO