Biên phòng - Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trở thành chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông Vận tải; huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế công lập và tư nhân, hàng vạn cán bộ y tế, gồm cả lực lượng dân y và quân y...
Toàn quốc đã thiết lập hệ thống điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình bảo quản, vận chuyển và quản lý tiêm chủng vaccine trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.
Đặc biệt, vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ 8 kho bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 Quân khu trong toàn quốc tới thẳng hơn 15.000 điểm tiêm chủng trực tuyến, được kiểm soát chặt chẽ, công khai về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.
Với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã có được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7-2021, hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo các chuyên gia, yếu tố thuận lợi để triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là đại đa số người dân đều có chung mong muốn được tiêm vaccine. Tính đến hết ngày 19-7, 4.305.501 người đã tiêm vaccine, trong đó 309.791 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Tuy nhiên, không ít người còn lo ngại về tính an toàn của vaccine vì được sản xuất trong thời gian ngắn; một bộ phận người dân đang trì hoãn để đợi chờ các vaccine khác ít tác dụng phụ hơn.
Các nhà khoa học khẳng định, việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 đã trải qua các quy trình nghiêm ngặt giống như các loại vaccine khác. Vaccine phòng Covid-19 hiện tại là thành tựu phát triển trải qua ít nhất 4 năm, vì vậy, các nhà khoa học đã có dữ liệu an toàn, dữ liệu về tính sinh miễn dịch và quá trình sản xuất đã thành công.
Các loại vaccine phòng Covid-19 đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam (AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson) đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định, đồng thời phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.
Theo cam kết của các nhà sản xuất cũng như kiểm nghiệm của một số nước, hiệu lực của các vaccine từ khoảng 60 - 95%. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, vaccine phòng Covid-19 còn giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.
Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc sớm được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là giải pháp quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vaccine mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.
Thực tế, có khoảng 15% số người đã tiêm vaccine có phản ứng sau tiêm như biểu hiện sốt, đau mỏi, sưng nề tại chỗ tiêm. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Thế nên, người dân không nên quá lo lắng với các biểu hiện thông thường sau tiêm. Ngành y tế đã hướng dẫn xử lý chi tiết, có chiến lược khám sàng lọc, tổ chức tiêm để phòng ngừa những nguy cơ quan ngại như dị ứng, sốc phản vệ, đông máu.
Trước sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19.
Mục tiêu miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước cần sự đồng lòng, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường.
Thanh Thảo