Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Hướng tới giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

Biên phòng - Ngày 12-8, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”.

pmj6b4i0uy-18069_f_jz85e2hz2_2
 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K’Ré, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện và đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra những thành tựu to lớn làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Nghị quyết 24 của Đảng ra đời năm 2003 là định hướng cho 118 chương trình, đề án, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có một số chính sách riêng dành cho phụ nữ DTTS.

d5xv2t7ui1-18069_f_jz85e2hs1_1
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể các chính sách hiện hành cho thấy, nhiều chính sách chưa được quan tâm lồng ghép giới, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của lao động nữ và nam DTTS, dẫn đến những hạn chế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ những chính sách này; khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn, tồn tại ở hầu hết tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra thực trạng về những rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ DTTS; chính sách và thực hiện chính sách ở vùng DTTS; đánh giá những thành công và hạn chế trong việc thực hiện chính sách. Qua đó, đưa ra những đề xuất, khuyến nghị chính sách.

arpke0sjhx-18069_f_jz85e2i53_3
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Hiện nay, có đến 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết; tỉ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật ở mức rất thấp (5,69%); tỉ lệ tảo hôn ở mức cao (trên 50%); có đến hơn 90% phụ nữ sinh con tại nhà; tỉ lệ bạo lực thể chất hoặc bạo lực tình dục ở các nhóm DTTS ở mức cao (khoảng 35%). Đây là những rào cản lớn đối với sự phát triển của phụ nữ DTTS.

Để phụ nữ dân tộc không bị bỏ lại phía sau, PGS. TS Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần xây dựng chính sách dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, cùng phát triển; xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, trong đó lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ; xây dựng chính sách dựa vào cộng đồng và phát huy thế mạnh của tộc người; xác định các lựa chọn ưu tiên trong chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số.

yb5cjpl4tw-18069_f_jz85e2ic4_4
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Thành Chung

TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra khuyến nghị, cần tiếp tục cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS trong xây dựng và thực hiện chính sách; hỗ trợ phụ nữ DTTS thay đổi thái độ, nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế, tăng cường năng lực của phụ nữ DTTS; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và tổ chức nhằm huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng đồng bào DTTS.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, cơ hội bình đẳng là rất quan trọng đối với đồng bào DTTS, vì vậy cần phải có những chính sách phù hợp để người dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là chính sách giúp phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ.

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, để làm được điều này, việc lồng ghép có hiệu quả các hệ thống chính sách là đặc biệt quan trọng; cần tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện các chính sách phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS; ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho những khu vực khó khăn nhất trong cộng đồng DTTS.

Thành Chung

Bình luận

ZALO