Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Hướng tới chuyển đổi số quốc gia

Biên phòng - Từ ngày 1-7-2021, hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân sẽ vận hành chính thức.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã cập nhật và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu thông tin dân cư, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc, trong đó, thu nhận hồ sơ để cấp hơn 54 triệu thẻ căn cước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẵn sàng kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 33/63 UBND các tỉnh, thành phố để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 thủ tục hành chính.

Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ sở quan trọng góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại.

Rõ ràng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu.

Dữ liệu là tài nguyên, nhưng khác với tài nguyên truyền thống, tài nguyên dữ liệu càng được khai thác, sử dụng nhiều thì không bị mất đi mà ngược lại, càng tạo ra giá trị.

Do vậy, sử dụng tài nguyên dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả, liên thông cao không chỉ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý con người, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác, như hiện nay là kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

Sự sẵn sàng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khởi đầu cho việc hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất đai, doanh nghiệp là những dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.

Để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ công nghệ, đồng thời huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và phát triển hạ tầng số.

Thiết nghĩ, việc xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới chỉ là bước đầu, đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước, sự trông đợi và kỳ vọng của xã hội và toàn dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO