Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 06:45 GMT+7

Hướng đi mới cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biên

Biên phòng - Biên giới Hà Giang hôm ấy trời rét kỷ lục, nhiệt độ xuống tới âm 3 độ C. Những đôi chân dù đã được "bao bọc" kỹ, nhưng vẫn lạnh tê cứng. Mặc dù đã được thông báo trước, nhưng buổi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 hộ dân xã Tả Ván, huyện Quản Bạ của Phòng khám Đa khoa Dr.Binh Tele-Clinic cũng chỉ lác đác vài người.

yw9f_8a
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Dr.Binh Tele-Clinic thăm khám bệnh cho người dân xã Tả Ván. Ảnh: Khánh Ngọc 

Tranh thủ trao đổi nhanh với một số người dân đến thăm khám, chúng tôi được biết, họ thức dậy từ rất sớm, đi bộ từ nhà đến đây khoảng 8km nhưng phải mất 4 tiếng đồng hồ. Hôm nay, họ đến khám bệnh kết hợp nhận quà tặng của một doanh nghiệp khác cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong lúc chờ bệnh nhân đến khám, anh Vũ Xuân Hoàn, bác sĩ Trạm Y tế xã Tả Ván chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện thực tế về hoạt động khám chữa bệnh của Trạm. Hiện tại, trên địa bàn biên giới, mỗi xã chỉ có một trạm y tế. Do địa hình cách trở, nên để kết thúc một lần thăm khám, bà con cũng phải mất ít nhất nửa ngày đi đường. Chính khó khăn khách quan đó, cộng với nhận thức còn hạn chế của người dân, nên Trạm thường trong tình trạng "chờ bệnh nhân". Nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng bệnh đã nặng, nhưng để họ chấp thuận nằm lại điều trị tại Trạm rất khó, hoặc nếu có ở, cũng chỉ một vài hôm là trốn về. 

Kể lại những câu chuyện tư vấn "dở khóc dở cười", theo các y, bác sĩ ở Trạm, nếu không phải là người tâm huyết, nhẫn nhịn và thấu hiểu, chắc không ai bám trụ nổi. Như trường hợp một bệnh nhân do suy nghĩ, uống càng nhiều thuốc bệnh càng nhanh khỏi nên dù đã được dặn kỹ, nhưng trong 2 ngày đã uống hết 48 viên thuốc. Hay có trường hợp người nhà đưa bệnh nhân đến Trạm y tế khám, do bệnh tình của người bệnh khá nặng nên bác sĩ yêu cầu gia đình để lại điều trị.

Sau mấy tiếng đồng hồ tư vấn từ phân tích, thuyết phục bằng mọi cách, tưởng họ đã thuận tình, thì phút cuối, họ thản nhiên: "Kệ thôi, cho nó về, mất đứa này ta lại có đứa khác!". Bác sĩ Hoàn nói: "Lúc ấy, với cái máu của người làm nghề, tôi chỉ muốn chạy ra sân và hét thật lớn".

Dẫu sao, đó cũng là những câu chuyện của dăm, mười năm trở về trước. Còn hiện tại, với sự quan tâm đầu tư của các cấp, ban, ngành, đã có nhiều chương trình phối hợp, nhiều chiến dịch truyền thông đến được tận các bản làng, tuy nhiên, nhận thức của bà con vẫn chưa được nâng lên là mấy. Do vậy, công tác khám chữa bệnh ở vùng biên thực sự mang lại nhiều hiệu quả. Tình trạng bác sĩ phải tháp tùng bệnh nhân tới tận bệnh viện vì sợ họ không đi tới bệnh viện mà bỏ về giữa chừng còn khá phổ biến.

Những câu chuyện của các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Tả Ván, đối với bà Lê Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sao Vega và Phòng khám Đa khoa Dr.Binh Tele-Clinic không mấy ngạc nhiên. Bởi lẽ, đã gần 10 năm nay, công ty của bà luôn đồng hành với các hoạt động của Quân y BĐBP và các chương trình thiện nguyện trên biên giới như xây nhà mái ấm biên cương, mái ấm chiến sĩ... Cũng từ đó, được chứng kiến không khí đìu hiu của các trạm y tế xã cùng với bước chân vượt đèo núi, bất luận thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên lên tận bản thăm khám bệnh cho người dân của những người thầy thuốc quân hàm xanh là những điều khiến bà Hương luôn trăn trở.

Tạm gác lại những câu chuyện trên biên giới cùng với không ít những suy tư ấy, chúng tôi gặp lại bà Thanh Hương tại văn phòng làm việc của Công ty TNHH Công nghệ Sao Vega - một trong 7 công ty chuyên cung cấp các giải pháp tích hợp hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, viễn thông, được nghe bà chia sẻ về ý tưởng sẽ cung cấp phần mềm và các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe từ xa cho BĐBP.

Thông qua bộ công cụ hỗ trợ hiện đại như tai nghe, máy soi họng, soi mắt, bệnh nhân dù ở đâu cũng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành hỗ trợ trực tiếp trên điện thoại, thông qua Trung tâm Call Center hiện đang được Sao Vega vận hành. Mục đích hướng tới của Trung tâm là, bà con các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sẽ được chăm sóc y tế theo cách thức phù hợp, ít tốn kém và hiệu quả nhất. Theo đó, người dân cơ bản sẽ được thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại chỗ mà không nhất thiết phải đi đến các cơ sở y tế.

Chia sẻ cụ thể về ý tưởng của mình, bà Thanh Hương cho biết: "BĐBP chính là địa chỉ tin cậy nhất để chúng tôi triển khai ý tưởng này. Qua nhiều chuyến đi công tác lên vùng cao, tôi nhận thấy, hình thức đầu tư hiệu quả nhất cho người dân chính là tập trung đầu tư, xây dựng năng lực cho người lính Biên phòng. Đưa ứng dụng y tế hỗ trợ cho những người thầy thuốc quân hàm xanh, chúng tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng.

Bằng sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với niềm tin đã được gây dựng trong dân, hoạt động này sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho công tác chăm sóc sức khỏe vùng cao. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Quân y BĐBP Hà Giang về phương tiện, tài chính cũng như hỗ trợ huấn luyện những kiến thức chuyên môn, kỹ thuật ngành như đã hỗ trợ huấn luyện cho BĐBP Tây Ninh".

Mong rằng, ý tưởng này của bà Lê Thanh Hương cùng các đồng nghiệp ở Công ty TNHH Công nghệ Sao Vega sớm được thực thi, để những khó khăn, vất vả cũng như mong muốn, tâm huyết của Quân y BĐBP về một cuộc sống khỏe mạnh, ấm no cho bà con các dân tộc thiểu số sẽ được đáp lại bằng những kết quả tương xứng.            

Khánh Ngọc

Bình luận

ZALO